Bốn khâu đột phá ở Đảng bộ huyện Sông Mã

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, trong 2 năm (2021-2022), Đảng bộ huyện Sông Mã đã xác định 4 khâu đột phá và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả.

Lãnh đạo Huyện ủy Sông Mã tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW.

Đồng chí Thào A Sử, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, thông tin: Ban Thường vụ Huyện ủy xác định 4 nội dung đột phá, gồm: Tập trung phát triển, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; nâng cao chỉ số cải cách hành chính; huy động các nguồn lực xóa nhà tạm cho hộ nghèo; xây dựng lò hơi nhiệt trong chế biến long nhãn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

Triển khai thực hiện khâu đột phá phát triển, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát diện tích đất có thể mở rộng vùng nguyên liệu. Vận dụng các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế. Đến hết năm 2022, huyện đã phối hợp tổ chức trồng 1.200 ha cây quế, 345 ha cây ăn quả có múi, 150 dứa Queen, 15 ha ngô ngọt. Một số mô hình liên kết đã cho thu nhập từ 57 đến 120 triệu đồng/ha, tăng gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng truyền thống ở địa phương.

Đến nay, huyện có trên 10.000 ha cây ăn quả, trong đó, hơn 670 ha cây ăn quả được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ, Trung Quốc; 45 HTX sản xuất quả theo quy trình VietGAP, với hơn 814 ha. Năm 2021, được UBND tỉnh cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho 25 HTX. Năm 2022, tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản trên 995 tỷ đồng.

Về cải cách hành chính được thực hiện toàn diện trên các nội dung: Thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, công vụ, tài chính công và phát triển chính quyền điện tử. Tổ chức cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Khuyến khích nhân dân nộp và nhận kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Năm 2021, chỉ số CCHC của huyện xếp thứ 3 trong toàn tỉnh; năm 2022, đứng đầu toàn tỉnh.

Khâu đột phá huy động các nguồn lực xóa nhà tạm cho hộ nghèo đã vượt chỉ tiêu đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, huy động tối đa nguồn lực xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Trong 2 năm, đã xóa hơn 1.000 nhà tạm, đảm bảo tiêu chí “3 cứng”, diện tích tích tối thiểu từ 24 m2 trở lên, tổng kinh phí trên 27 tỷ đồng.

Đối với nội dung xây dựng lò hơi nhiệt trong chế biến long nhãn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cấp lò sấy than thủ công sang lò hơi nhiệt. Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất gắn với cải tạo, nâng cấp các cơ sở thu mua, chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản trên địa bàn; công nhận làng nghề chế biến long nhãn ở xã Chiềng Khoong. Đến nay, toàn huyện có 734 lò sấy hơi nhiệt sạch, trong đó, 595 lò được hỗ trợ theo Quyết định số 1818; có 3 kho lạnh, 6 container lạnh. Việc chuyển đổi, nâng cấp các lò sấy than thủ công sang lò hơi nhiệt sạch trong chế biến long nhãn, góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá trị sản phẩm.

Đảng ủy các xã, thị trấn cũng lựa chọn các khâu đột phá có trọng tâm, trọng điểm. Hằng năm, các chi bộ tổ chức cho cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch học tập và cam kết, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Nội dung bản cam kết là căn cứ để kiểm điểm, đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm. Bà Lò Lan Phương, Bí thư Đảng ủy xã Nà Nghịu, thông tin: Trong 2 năm (2021-2022), Đảng ủy xã đăng ký nội dung đột phá là lãnh đạo thực hiện giải phóng mặt bằng tại các khu quy hoạch đô thị và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã. Đồng thời, chỉ đạo các Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thực hiện mô hình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; UBND xã phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; Hội Phụ nữ xã thực hiện tuyến đường hoa và mô hình 3 sạch.

Với những kết quả đạt được trong 2 năm qua, huyện Sông Mã có 3 tập thể, 2 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 tập thể, 4 cá nhân. Ban Thường vụ Huyện ủy tặng giấy khen cho 41 tập thể, 37 cá nhân; UBND huyện tặng giấy khen cho 17 tập thể, 43 cá nhân. Năm 2022, Đảng bộ huyện Sông Mã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Mã tiếp tục đăng ký 4 mô hình tiêu biểu làm theo Bác, gồm: Lãnh đạo xây dựng mô hình “chính quyền thân thiện” tại xã Mường Lầm, Huổi Một, Chiềng Khương; tạo nguồn và phát triển đảng viên; xây dựng xã Mường Sai đạt chuẩn nông thôn mới; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sắp xếp sáp nhập bản, tổ dân phố trên địa bàn. Ban Thường vụ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, đơn vị đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về học và làm theo Bác. Triển khai hiệu quả mô hình tiêu biểu đã đăng ký, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới