Trở lại Phá Thóng

Trời không mưa, nhưng con đường trở lại Phá Thóng, bản biên giới của xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, vẫn gập ghềnh, khó đi như ngày nào. Vượt qua những bất lợi của địa thế, bà con dân bản nơi đây vẫn tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống và kiên trì bảo vệ đường biên giới.

Sau gần 3 giờ đồng hồ “đánh vật” với 30 cây số đường rừng, chúng tôi mới đến được Phá Thóng. Càng lên cao, con đường càng trở nên khó đi; nhiều đoạn vắt ngang lưng chừng núi, những con dốc “chồn vó ngựa”, lại có đoạn chỉ cần run tay là lao xuống khe suối... Nhiều đoạn, chúng tôi phải xuống đẩy xe, đi bộ, bởi đường chênh vênh nguy hiểm, một bên là núi, một bên là vực thẳm. Bản Phá Thóng nằm ở độ cao gần 1.300 m so với mực nước biển, với 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, được chia làm 3 nhóm hộ, mỗi nhóm nằm ở 3 đỉnh núi khác nhau. Con đường kết nối giữa các nhóm hộ là những đường mòn xuyên rừng rất khó đi.

Một góc bản Phá Thóng.

Mặc dù dân bản Phá Thóng chịu khó lao động sản xuất, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, người dân trong bản chưa có nhà văn hóa, chưa có nước sinh hoạt, địa hình chủ yếu là núi cao nên đất trồng rau màu cải thiện bữa ăn cũng rất hiếm; tuy đã có điện lưới kéo về bản, nhưng sóng điện thoại vẫn chưa có, nên việc liên lạc với bên ngoài còn khó khăn.

Thiếu tá Lò Văn Phích, nhân viên trinh sát Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, là người đã gắn bó với dân bản đã nhiều năm nay. Trong quãng thời gian đó, anh đã trực tiếp tham gia dạy hơn 10 lớp xóa mù chữ cho hàng trăm người dân trong bản. Trong năm 2022, anh đã đã hoàn thành lớp xóa mù cho 70 người. Anh Phích chia sẻ: Trình độ dân trí của dân bản Phá Thóng vẫn còn hạn chế, nhiều người không biết chữ; tỷ lệ hộ nghèo cao; nhiều gia đình có đông con đi học, nên tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiềm ẩn. Do người dân thường xuyên ở trên nương, nên việc bồi dưỡng, xóa mù chữ gặp không ít khó khăn.

Không chỉ vậy, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh còn phối hợp với 4 thầy, cô giáo cắm bản quan tâm đến việc học hành của con em trong bản. Hiện nay, bản có 1 điểm trường tiểu học, với 2 lớp, 30 học sinh; 1 điểm trường mầm non, với 2 lớp, 49 trẻ. Những nỗ lực của các thầy cô, những người lính quân hàm xanh đã góp phần giúp trẻ nói tiếng phổ thông sõi hơn, hằng năm, trẻ đều đủ điều kiện để lên lớp; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp năm nào cũng đạt 100%.

Phá Thóng hiện có 69 hộ, 436 nhân khẩu, trong đó có 56 hộ nghèo. Bản có 7km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, với 4 cột mốc. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà con luôn tích cực tham gia cùng bộ đội bảo vệ vững chắc đường biên giới của Tổ quốc. Thiếu tá Lò Văn Phích chia sẻ thêm:  Ban Chỉ huy Đồn luôn quan tâm đến cuộc sống của người dân; giúp bà con biết đọc, biết viết để tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo. Nhiều năm qua, đã có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ của Đồn lên với bản để giúp bà con xóa mù chữ, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi; vì thế, những diện tích lúa nương, sắn và đàn gia súc của bản đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao. Hiện giờ, dân bản còn đề nghị bộ đội biên phòng tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ, học kiến thức để xóa nghèo.

Lớp xóa mù chữ cho nhân dân bản Phá Thóng.

Trưởng bản Mùa A Chua bảo: Hiện nay, dân bản đang chăm sóc, bảo vệ hơn 100 ha rừng, 2 ha sơn tra, 2.000 ha lúa nương. Trong 2 năm gần đây, nhờ có bộ đội biên phòng hướng dẫn canh tác nên chúng tôi đã trồng 60 ha sắn mang lại thu nhập. Không chỉ vậy, bộ đội biên phòng còn hướng dẫn bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc, đàn trâu bò của cả bản trước có hơn 100 con, giờ đã lên tới 600 con.

Chia tay bà con Phá Thóng, chúng tôi không quên được câu nói của Thiếu tá Lò Văn Phích: “Chúng tôi sẽ cùng bà con vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới của Tổ quốc. Cùng dân bản phát triển sản xuất để Phá Thóng thoát nghèo trong một ngày không xa”.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới