Thêm nguồn lực để người dân giữ rừng

Những năm qua, được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhân dân huyện Mai Sơn đã có ý thức hơn trong việc giữ rừng, phát triển rừng. Nhờ đó, những cánh rừng trên địa bàn ngày càng phát triển xanh tốt, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện ngày một nâng lên.

Nhà văn hóa bản Nam, xã Chiềng Chung được xây dựng có phần hỗ trợ từ tiền chi trả DVMTR.

Hơn 10 năm nay, 536 ha rừng được bản Nam, xã Chiềng Chung nhận khoán luôn được bảo vệ xanh tốt. Ông Hà Văn Phấn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nam, cho biết: Năm 2022, bản được chi trả hơn 200 triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Từ nguồn tiền này, bản đã giành một phần kinh phí hỗ trợ xây dựng và mua sắm các trang thiết bị tại nhà văn hóa bản, tu sửa đường nội bản. Những lợi ích mà rừng mang lại càng góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Bản đã thành lập các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với 36 thành viên, chia thành 6 nhóm; mỗi nhóm sẽ thay nhau đi tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm lấn rừng trái phép.

Lãnh đạo UBND xã Hát Lót tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho người dân bản Ngồ Hén.

Còn tại xã Hát Lót, nhiều năm nay, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua các năm; toàn bộ diện tích rừng được bảo vệ tốt đã cải thiện môi trường và bảo vệ nguồn nước. Ông Tòng Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Toàn xã còn gần 1.400 ha rừng, gồm 1.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng; trong đó gần 1.100 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hằng năm, xã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới các hộ gia đình, chủ rừng; chú trọng công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng tới đông đảo người dân, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đối với số tiền được chi trả từ DVMTR, xã chỉ đạo các bản họp với các hộ dân để công khai số tiền nhận được; hướng dẫn các bản xây dựng quy chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR bảo đảm công khai, minh bạch. Đối với chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình sẽ được chi trả đầy đủ, kịp thời. Còn chủ rừng là cộng đồng, bản sẽ dùng để chi cho các mục đích chung, gồm: Mua cây giống trồng rừng; mua vật liệu đổ bê tông đường nội bản, liên bản; mua dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ, PCCCR; chi thù lao cho tổ bảo vệ rừng, nhờ đó, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Kiểm tra diện tích rừng trồng từ nguồn chi trả DVMTR.

Phó Chủ tịch UBND xã Tòng Văn Tâm dẫn chúng tôi đi thăm diện tích rừng mới trồng từ nguồn quỹ chi trả DVMTR tại bản Ngồ Hén. Sau 6 tháng trồng, 2 ha rừng đã xanh tốt, có cây cao hơn 1m. Anh Lường Văn Thanh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Ngồ Hén, thông tin: Bản có 158 hộ được giao bảo vệ 215 ha rừng. Năm 2022, bản được nhận 40 triệu đồng tiền DVMTR, bà con đã thống nhất trích một khoản để mua cây giống trồng trên diện tích đất giáp ranh giữa đất rừng và đất nông nghiệp của bản.

Mai Sơn hiện có gần 53.800 ha rừng. Ông Mai Hồng Lưu, Quyền Trưởng Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Mai Sơn - Yên Châu, cho biết: Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, hằng năm, Chi nhánh đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát, bổ sung diện tích đủ điều kiện, giao khoán bảo vệ rừng hoàn thành việc xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền chi trả DVMTR tại các địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và công tác quản lý, bảo vệ rừng của UBND cấp xã, cùng các chủ rừng. Đồng thời, tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại các bản.

Đảm bảo tiến độ, công khai, minh bạch, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Mai Sơn - Yên Châu đã đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2022, Quỹ đã phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện mở tài khoản và giải ngân tiền DVMTR cho gần 6.200 chủ rừng, với số tiền chi trả gần 12,5 tỷ đồng. 

Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần quan trọng cải thiện diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Mai Sơn. Đây cũng là nguồn kinh phí quan trọng để các tổ, đội quần chúng ở cơ sở nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương. Đồng thời, giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, góp phần xây dựng nông thôn mới và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân, tạo động lực để người dân gắn bó, giữ gìn và phát triển rừng.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới