Ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai

Với địa hình chia cắt mạnh, huyện Mai Sơn chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, làm nhiều hộ dân mất nhà cửa, mất đất sản xuất. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều khu tái định cư được xây dựng mới, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

 

Khu tái định cư tại bản Phú Lương, xã Chiềng Lương.

Trở lại xã Chiềng Lương, một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng do mưa lũ những năm trước đây. Cùng chúng tôi đến thăm 35 hộ (bản Nà Rầm cũ) đến tái định cư tại bản Phú Lương, ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, thông tin: Sau sự cố đá lăn xảy ra vào năm 2018, khiến 3 hộ bị ảnh hưởng nặng nề và 32 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng, xã đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; hỗ trợ các hộ di chuyển tạm thời ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời báo cáo UBND huyện có phương án hỗ trợ dân di chuyển đến nơi ở mới.

Qua rà soát, xã đã bố trí quỹ đất 5% tại bản Phú Lương để chuyển 35 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm với hình thức ở xen ghép nội bản. Quá trình triển khai, xã chỉ đạo bản tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, các hộ được bàn bạc và đi đến thống nhất công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quy mô nhà ở… Sau 3 đợt di chuyển, cuối năm 2019, toàn bộ 35 hộ dân, 159 nhân khẩu chuyển đến nơi ở an toàn.

Các hộ dân bản Phú Lương trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Trong ngôi nhà sàn khang trang, ông Lò Văn Nhiền, Phó Bí thư chi bộ bản Phú Lương (trước là Bí thư chi bộ bản Nà Rầm), phấn khởi nói: Sau hơn 3 năm chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống của 35 hộ dân có những thay đổi rõ rệt. Bản được đầu tư điện lưới, công trình nước sinh hoạt, mọi người yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế và nhất là không phải thấp thỏm, lo âu mỗi khi vào mùa mưa lũ.

Còn tại xã Nà Bó, trước mùa mưa lũ, với mục tiêu giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, xã đã và đang triển khai kế hoạch bố trí dân cư theo thứ tự ưu tiên nơi có nguy cơ cao về thiên tai được bố trí thực hiện trước.

Đường vào xóm Đông Trai, bản Cáp Na, xã Nà Bó hư hỏng sau các đợt mưa lớn.

Xóm Đông Trai, bản Cáp Na, xã Nà Bó có 30 hộ đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú sinh sống bên taluy âm dọc đường tỉnh 110a và dưới thung lũng. Vào mùa mưa, 3 khe suối nước chảy tập trung đổ về xóm, làm hỏng đường giao thông nông thôn, nên năm nào, người dân cũng phải đóng góp tiền để sửa chữa đường lên tới vài chục triệu đồng. Cấp ủy, Ban quản lý bản đã họp bàn với các hộ dân, đề xuất chủ trương di chuyển toàn xóm; 100% các hộ đồng thuận, ký cam kết di dời tái định cư khỏi khu vực sạt lở cao.

Khu vực đồi đất có nhiều vết rạn, nứt, nguy cơ sạt lở xuống nhà ở của bà con dân tộc Khơ Mú, xóm Đông Trai, bản Cáp Na, xã Nà Bó.

Xã Nà Bó đã khảo sát thực tế, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành lập đoàn khảo sát, đánh giá thực trạng điểm nguy cơ sạt lở và địa điểm dự kiến bố trí tái định cư. Ông Hoàng Hữu Phong, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Địa điểm khảo sát, dự kiến bố trí tái định cư cho 30 hộ dân xóm Đông Trai xen ghép trong bản, cách vị trí nơi ở cũ khoảng 6 km. Địa điểm quy hoạch khoảng 2 ha, là đất nông nghiệp của 6 hộ trong bản đang trồng ngô và cây ăn quả. Mặt bằng tương đối thuận lợi để san gạt nền nhà và tại vị trí cũng đã có điện lưới quốc gia, công trình nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Mai Sơn, thông tin: Với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, hàng năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các xã chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ ngập úng, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để di dời nhà ở của người dân đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất để nhân dân biết. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, để nhân dân "an cư, lạc nghiệp" lâu dài, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền trong việc di dời dân đến nơi ở an toàn. Đối với các điểm dân cư nằm trong khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét khi xảy ra thiên tai, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn khảo sát, lập quy hoạch các điểm tái định cư phục vụ bố trí, sắp xếp dân cư tập trung, an toàn, đảm bảo yêu cầu đồng bộ với các quy hoạch khu dân cư, hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất, sinh hoạt ổn định lâu dài của nhân dân.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, công khai các chính sách hỗ trợ tới các hộ gia đình thuộc dự án; vận động cộng đồng dân cư nơi lập các điểm tái định cư hiểu rõ, đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân di chuyển đến. Riêng việc di chuyển dân tại xóm Đông Trai, bản Cáp Na, xã Nà Bó, huyện đã có tờ trình gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và Ban Dân tộc đề nghị bổ sung dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại xóm Đông Trai, bản Cáp Na, xã Nà Bó thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Huyện Mai Sơn đang thực hiện phương án bố trí những điểm người dân tự di dời được thì sắp xếp trước, còn những điểm lớn, cần sử dụng ngân sách Nhà nước, huyện đang tổng hợp, rà soát, đánh giá khả năng xảy ra sạt lở có phương án sắp xếp dân cư. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách, huy động nguồn xã hội hóa, bảo đảm nhân dân có cuộc sống ổn định, an toàn.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới