Nghề may ở Lóng Luông

Theo chia sẻ của nhiều bà con ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tháng 9-10 hàng năm, đồng bào dân tộc Mông ở đây bắt đầu chuẩn bị cho mình từ 2-3 bộ trang phục để đón năm mới. Mặc dù hiện nay trên thị trường có nhiều bộ trang phục truyền thống dân tộc Mông được bày bán, may bằng nhiều loại vải, hoa văn, họa tiết khác nhau, nhưng để có bộ trang phục với những họa tiết độc đáo, bà con thường đặt may theo sở thích cá nhân. Đây cũng là lý do nghề may trang phục dân tộc Mông ở Lóng Luông khá đắt hàng.

Anh Mùa A Tắng, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ may hoạ tiết trang trí trên áo.

Nói về nghề may trang phục dân tộc Mông ở xã, ông Giàng A Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, chia sẻ: Từ năm 2017, nghề may bắt đầu phát triển trên địa bàn. Hiện, UBND xã đang khuyến khích các hộ mở rộng quy mô. Đồng thời, chúng tôi đã có công văn đề nghị UBND huyện hỗ trợ tổ chức các lớp dạy nghề thêu hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tại xã để thu hút lực lượng lao động trẻ làm nghề, từng bước giải quyết việc làm cho lao động địa phương, cũng như lưu giữ nghề truyền thống dân tộc.

Anh Mùa A Bính, bản Co Chàm thực hiện công đoạn cắt vải. 

Hiện nay, xã Lóng Luông có trên 10 hộ làm nghề may, với khoảng 40 lao động thường xuyên, vừa phục vụ nhu cầu của người dân trong xã, vừa cung cấp trang phục cho các điểm du lịch trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Các hộ có thu nhập bình quân từ 10-15 triệu đồng/hộ/tháng.

Anh Mùa A Tánh, cán bộ văn hóa xã Lóng Luông, cho biết: Các hộ làm nghề may trang phục đã chia tách các công đoạn may mặc. Theo đó, một số hộ đảm nhận phần may hoa văn, họa tiết trên trang phục theo yêu cầu đặt hàng của khách. Các hộ khác thực hiện việc lấy số đo, may trang phục cho khách hàng. Riêng các hoa văn, họa tiết trên váy  phải thực hiện thêu hoàn toàn, vì vậy, thời gian để hoàn thành 1 chiếc váy thường mất khoảng 1-3 tháng, tùy theo yêu cầu về hoa văn của người đặt hàng. Còn hoa văn trên áo có thể sử dụng máy may. Việc phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa từng bộ phận khi may trang phục đã giúp các hộ nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm.

Theo các hộ may trang phục ở xã, may một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông phải trải qua các công đoạn: Lấy so đo của khách; chọn vải; chọn hoa văn, họa tiết trên trang phục; may ghép hoa văn; lên dáng… Nếu một hộ làm tất cả các công đoạn đó sẽ mất nhiều thời gian, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế không cao, lại không chuyên nghiệp. Nên việc chia ra các công đoạn sẽ giúp các các hộ tiết kiệm đáng kể thời gian trong việc may trang phục truyền thống cho khách hàng.

Kiểm tra số đo, lên dáng áo cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông.

Đến gia đình anh Mùa A Tắng, bản Co Chàm hiện đang có 4 người với 4 chiếc máy may. để ghép các dải hoa văn trên áo, anh Tắng cho biết: Năm 2016, nhận thấy nhu cầu đặt may trang phục truyền thống trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ tăng đáng kể, tôi đã tham gia khóa đào tạo nghề may mặc do huyện tổ chức. Sau khóa học về mở xưởng với 4 nhân công, gồm hai vợ chồng tôi và hai người cháu. Gia đình tôi chủ yếu may các dải hoa văn có kích thước 200 x 15 cm để cung cấp cho các nhà may trang phục trên địa bàn huyện. Công suất mỗi ngày đạt 20-25 dải hoa văn, với giá bán từ 200 - 250 nghìn đồng/dải, trừ chi phí, lợi nhuận mỗi tháng của gia đình tôi đạt 20-25 triệu đồng.

Khác với gia đình anh Mùa A Tắng, gia đình anh Mùa A Bính cùng ở bản Co Chàm lại chọn nhận đặt may trang phục. Anh Bính cho hay: Năm 2019, tôi học may và làm việc tại nhà máy may ở Hà Nội. Khi bùng phát dịch Covid-19, tôi trở về quê và mở cửa hàng nhận đặt may trang phục truyền thống. Từ khi nhập nguyên liệu là các dải hoa văn trang trí của các nhà may trong xã, công việc của gia đình tôi đỡ được phần nặng nhất trong quy trình may trang phục. Hiện nay,  bình quân mỗi tháng tôi nhận may cho 20-25 khách. Mỗi bộ trang phục hoàn thành có giá bán từ 3-5 triệu đồng tùy thuộc vào yêu cầu của khách. Trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập từ 15-20 triệu đồng từ may trang phục truyền thống.

Kiểm tra chất lượng dải hoạ tiết trang trí trên áo.

Nghề may trang phục truyền thống ở Lóng Luông đã và đang mang lại cơ hội cho nhân dân nâng cao thu nhập từ việc xây dựng sản phẩm du lịch của địa phương, tạo thêm trải nghiệm mới cho du khách khi đến với huyện cửa ngõ của tỉnh; đồng thời, bảo tồn, lưu giữ văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới