Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng

Những năm qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân.

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã tích cực tuyên truyền phổ biến chính sách chi trả đến hầu hết các đối tượng liên quan đến triển khai thực hiện chính sách, bao gồm: Chính quyền các cấp, các đoàn thể, đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất nước sạch, đơn vị kinh doanh du lịch, đơn vị sản xuất công nghiệp), đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (chủ rừng, hộ nhận khoán). Bên cạnh tuyên truyền trực tiếp qua các buổi truyền thông với cộng đồng, Quỹ còn phổ biến chính sách liên quan thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, pano áp phích... Đẩy mạnh công tác phối hợp trong tuyên truyền với các tổ chức đoàn thể; các địa bàn vùng sâu vùng xa chú trọng phát huy tiếng nói của những người có uy tín trong cộng đồng để lan tỏa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến với người dân.

Hội nghị xây dựng quy chế và quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng thôn bản tại huyện Vân Hồ.

Năm 2022, thu tiền dịch vụ môi trường rừng đạt trên 196 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng DVMTR, đạt 85,87% kế hoạch; ước thực hiện thu đến 31/12/2022 trên 228 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Thu tiền trồng rừng thay thế đạt gần 1,2 tỷ đồng...

Để mở rộng nguồn thu, Quỹ ban hành văn bản gửi các sở, ngành liên quan phối hợp rà soát đối tượng phải trả tiền DVMTR. Trong năm đã ký 9 hợp đồng ủy thác mới, gồm 1 cơ sở sản xuất thủy điện, 8 cơ sở sản xuất công nghiệp; lũy kế đã ký được 67 hợp đồng ủy thác.

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua Ngân hàng CSXH tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, cho biết: Công ty Điện lực Sơn La đang quản lý vận hành 2 thủy điện là Nhà máy thủy điện Sơ Vin và Nhà máy thủy điện Chiềng Ngàm, với tổng sản lượng năm 2021 trên 14,4 triệu kWh với số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả trên 556 triệu đồng. Trong những năm qua, Công ty đã ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, đảm bảo chi trả kịp thời minh bạch, đúng đối tượng. Công tác phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La trong chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp Công ty tiết kiệm chi phí đến trực tiếp mà vẫn đảm bảo việc triển khai chính sách của Nhà nước, phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.  

Hằng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên theo dõi phối hợp với các ngành chức năng kịp thời bổ sung các đơn vị phát sinh phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng, kiểm tra đôn đốc các đơn vị lập bảng kê và nộp tiền hằng quý, hằng năm theo quy định. Đến nay, cơ bản không có nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng từ các đơn vị nộp tiền. Quỹ đã phối hợp với với các ngân hàng trong công tác chi trả DVMTR cho chủ rừng với số tiền trên 219 tỷ đồng, đạt 99,70% kế hoạch.

Bên cạnh đó, Quỹ đã khẩn trương triển khai thực hiện công tác xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo đúng kế hoạch. Kết quả, tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng đủ điều kiện lập hồ sơ chi trả DVMTR nguồn thu năm 2021 trên 561 nghìn ha, gồm gần 540 nghìn ha rừng tự nhiên, trên 21 nghìn ha rừng trồng. Tiếp tục cập nhật các diện tích khoanh nuôi tái sinh thành rừng để chi trả DVMTR.

Diện tích rừng trồng mới tại xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Một trong những thành công nữa của Quỹ là góp phần nâng cao trách nhiệm, nhận thức bảo vệ rừng của người dân nhờ họ có thu nhập ổn định. Với đơn giá 250 - 300 nghìn đồng/ha/năm, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn nhận khoán bảo vệ rừng từ các chủ đã có thu nhập từ 12 - 18 triệu đồng/hộ/năm. Do mức chi trả nói trên ổn định qua các năm, nên người dân nhận khoán rừng ổn định cuộc sống, từ đó có thức bảo vệ rừng hơn. Các bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã thành lập các tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng của thôn bản, ban hành quy chế hoạt động của tổ và phân phối thu nhập từ nguồn DVMTR. Nhiều bản còn xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tổ bảo vệ rừng bản Tòng, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu kiểm tra diện tích rừng.

Trong năm 2022, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã tham mưu đề xuất xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Ngoài ra, để giúp các cộng đồng bản quản lý hiệu quả dòng tiền dịch vụ môi trường rừng, Quỹ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR tại thôn, bản. Qua đó, đã tổ chức 154 hội nghị với 5.768 lượt người tham dự và ban hành 731/198 quy chế thôn, bản đạt 369% kế hoạch UBND tỉnh giao.

Với những giải pháp hiệu quả của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí hằng năm cho các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, tạo động lực  giúp các đơn vị yên tâm giữ rừng.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới