Gia cảnh nam sinh Sơn La đầu tiên vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Suốt 11 năm học luôn là học sinh giỏi; giành 2 Huy chương Đồng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Vàng cấp quốc gia các cuộc thi Toán, tiếng Anh qua mạng; giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp quốc gia năm học 2021-2022; giải Nhất cuộc thi quý III, Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 22, trở thành học sinh đầu tiên của tỉnh Sơn La vào chung kết... Sở hữu nhiều giải thưởng xuất sắc trong học tập, nhưng ít ai biết, Bùi Anh Đức, lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Sơn La, lại có gia cảnh vô cùng khó khăn...

                                       

Em Bùi Anh Đức giành vòng nguyệt quế tại cuộc thi quý III, Đường lên đỉnh Olympia.             

Ảnh: Hoàng Nga (CTV)

             

Cả bố mẹ đều mắc bệnh nan y

             

“Gia đình em Bùi Anh Đức đang rất khó khăn, bố mẹ đều bị bệnh nan y, đặc biệt là bố em đang bị suy thận nặng, phải mất số tiền rất lớn mới có hy vọng chữa trị” - Từ những thông tin của Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chúng tôi tới thăm gia đình em Bùi Anh Đức, em đang ở với ông bà ngoại tại xóm 1, tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Nghe mẹ của Bùi Anh Đức trải lòng mà thấy vừa thương cảm, vừa khâm phục nghị lực của cả gia đình.

             

Bố mẹ của Bùi Anh Đức là anh Bùi Thế Hanh và chị Trần Thị Hà Giang. Anh chị lấy nhau năm 2005, anh là công nhân Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, còn chị là giáo viên Trường tiểu học & THCS Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, năm nay, chị mới chuyển công tác về Trường THCS 19/5, xã Cò Nòi. Năm 2013, anh Hanh phát hiện mình bị bệnh thận đa nang, các nang nước ở thận ngày càng lớn lên, khiến thận bị suy; tùy theo diễn tiến bệnh tình, cứ 1-3 tháng lại về bệnh viện ở Hà Nội để kiểm tra, mua thuốc điều trị. Bình quân mỗi tháng, riêng tiền thuốc, tốn 3 triệu đồng.

             

“Họa vô đơn chí”, chỉ sau 1 năm, chị Giang cũng mắc bệnh u tế bào, không chữa khỏi được, nhưng vẫn phải phẫu thuật. Năm 2014 và 2017, chị đã phải qua 2 lần đại phẫu. Ngoài BHYT chi trả, chỉ riêng tiền viện phí cho cả 2 lần hết gần 300 triệu đồng. Sau 2 lần đại phẫu, sức khỏe giảm sút, lẽ ra ở tuổi 43, vẫn đang sung sức, nhưng chị lại phải gánh chịu những cơn đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời. Hiện, các u tiếp tục mọc theo dây thần kinh ở nách xuống cánh tay phải cũng đến kỳ xử lý.

             

Suốt 9 năm qua, vợ chồng anh chị gắng gượng chạy chữa bệnh tật. Ngoài tiền lương công nhân và giáo viên, vợ chồng anh chị còn nuôi ong mật kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình và chữa bệnh. Cuộc sống dù khó khăn, song vợ chồng anh chị vẫn luôn cố gắng vươn lên, tích cóp đến cuối năm 2020, mua được căn nhà cũ hơn 500 triệu đồng gần thị trấn để cả nhà quây quần bên nhau (trước đây, vợ chồng anh chị ở nhờ nhà bố mẹ anh Hanh, tiện công tác ở xã cách trung tâm huyện gần 20 km, còn các con ở cùng với ông bà ngoại từ lớp 1 ngoài thị trấn Hát Lót để được học ở nơi có điều kiện hơn).

             

“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ở nhà vừa mua được vài tháng thì bệnh tình của anh Hanh chuyển biến nặng. Tháng 3 năm nay, anh Hanh bị suy thận nặng phải về Bệnh viện 103 phẫu thuật mở cầu tay, sau đó, lên Sơn La chạy thận lọc máu. Nhưng bệnh nặng ngoài khả năng điều trị của bệnh viện ở tỉnh, lại phải quay xuống Hà Nội. Từ đó đến nay, anh Hanh phải ở hẳn Bệnh viện 103 để điều trị.

             

Anh Bùi Thế Hanh (bố của Bùi Anh Đức) đang điều trị tại Bệnh viện 103.

             

Chị Giang ngậm ngùi: Vợ chồng chúng tôi đã xác định ngày này rồi cũng phải đến, song không nghĩ đến nhanh như vậy. Chồng tôi hiện chỉ còn hơn 40 kg, cách đây 3 tuần đã phải cắt 1 bên thận. Quả thận còn lại, bác sỹ cũng thông tin là tỷ lệ bên chín, bên mười, dự kiến 2-3 tháng nữa sẽ cắt nốt.

             

Chị Giang không nhớ hết những khoản tiền viện phí các đợt 5-7 triệu đồng, chỉ riêng khoản lớn nhất là tiền điều trị ở phòng đặc biệt đã hết 250 triệu đồng. Ngoài chế độ viện phí do BHYT hỗ trợ thanh toán, mỗi ngày phải chi phí thêm 3,6 triệu đồng, truyền dinh dưỡng cho anh Hanh. Chưa tính tới tiền chi phí cho ca ghép thận, chỉ riêng tiền chi phí xét nghiệm đối với cả 2 người nhận và hiến thận để kiểm tra các chỉ số tương thích ghép thận đã là số tiền quá lớn. “Gia đình chúng tôi ra ở riêng chưa đầy 1 năm, lại phải chuyển các cháu về ở nhà nhà ông bà ngoại để tiện có người chăm sóc và cũng là chuẩn bị tinh thần bán nhà để chữa bệnh cho chồng” - chị Giang bộc bạch.

             

Hy vọng và động lực để vượt qua khó khăn

             

Anh Hanh và chị Giang kết hôn đến nay 17 năm, thì hơn nửa thời gian vợ chồng chung lưng, đấu cật chống chọi với trọng bệnh. Với anh chị, niềm vui và động lực lớn để vượt lên bệnh tật là hai con chăm ngoan, học giỏi. Cháu lớn là Bùi Anh Đức, hiện đang học lớp 12 Anh, Trường Chuyên Sơn La với thành tích học tập đáng nể. Em ở với ông bà ngoại từ khi học lớp 1, luôn có ý thức tự giác cao. Điều đặc biệt ở Anh Đức là có trí nhớ rất tốt, ngoài chuyên tiếng Anh, còn rất thích đọc sách, thích học Lịch sử, Địa lý, luôn đạt điểm tổng kết rất cao, đặc biệt năm lớp 10 đạt 10 điểm tổng kết môn Lịch sử. Cháu thứ 2 là Bùi Đức Thịnh đang học lớp 7 A1, Trường THCS chất lượng cao Mai Sơn cũng chăm ngoan, liên tục 7 năm học đều là học sinh giỏi, trong đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường.

             

Cả gia đình Bùi Anh Đức đều “nghiện” xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia, hầu như không bỏ chương trình phát sóng nào, đã thôi thúc đam mê và mơ ước của cậu học trò một ngày nào đó sẽ tham gia, chinh phục đỉnh Olympia tri thức. Đến năm lớp 11, với sự động viên của thầy cô, bạn bè, Bùi Anh Đức đã đăng ký tham gia, đến vòng chung kết đã là thành tích trên cả mong đợi. “Khi con mới bắt đầu được đi thi Đường lên đỉnh Olympia đã là niềm vui lớn với chúng tôi, chỉ mong con thoải mái tâm lý, tự tin, thỏa sức đam mê. Con bước vào vòng thi quý III, là lúc bố vào phòng phẫu thuật. Gia đình giấu không cho con biết để con yên tâm thi. Khi tỉnh lại, hay tin con đã giành giải nhất, ghi tên mình vào chung kết cuộc thi khiến chồng tôi phấn chấn hẳn lên, bảo cố gắng chiến đấu với bệnh tật để nuôi dạy các con trưởng thành” - Chị Giang chia sẻ.

             

Đại diện Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tặng quà cho Bùi Anh Đức và em trai vượt khó học giỏi.

             

Thương bố mẹ bệnh tật, cậu học trò Bùi Anh Đức càng nỗ lực học tập, giành được nhiều giải thưởng và đều đưa hết cho mẹ lo tiền chữa bệnh cho bố. Đường từ huyện tới trường ở Thành phố khoảng 30 km, suốt 2 năm học qua, đều đặn 5 giờ sáng hằng ngày, em bắt xe buýt đi học, để tiết kiệm tiền ở trọ. Hiện, Bùi Anh Đức đang tập trung luyện thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia và tìm kiếm suất học bổng vào đại học để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, vừa giảm gánh nặng cho gia đình. Dù kết quả thế nào, thì cậu học trò sinh năm Ất Dậu 2005 đã giành chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, thật đáng trân trọng!

             

Hai cậu con trai chăm ngoan học giỏi là niềm vui, động lực, thì hai bên nội ngoại là chỗ dựa, sẻ chia với chị Giang, anh Hanh khi ốm đau hoạn nạn. Ông bà ngoại của Bùi Anh Đức đều đã 80 tuổi vẫn ngày ngày miệt mài chăm lo cho hai cháu. Anh, em, họ hàng của anh chị đều chung tay giúp đỡ, hỗ trợ tiền, thay phiên nhau chăm sóc anh Hanh; anh trai của chồng chị Giang còn sẵn sàng hiến một bên thận để cứu em. Không thể kể hết tình yêu và sự hy sinh của hai bên nội ngoại cho gia đình chị Giang. Biết được gia cảnh khó khăn của em Bùi Anh Đức, đã có các tổ chức, cá nhân đến chia sẻ, động viên, như: Sở Giáo dục - Đào tạo Sơn La, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công ty, trường học nơi anh Hanh, chị Giang công tác và nhà trường các em đang học... Đưa anh Hanh đi điều trị, gia đình hy vọng “còn nước, còn tát”, nhưng hành trình còn quá gian nan, tốn kém tiền của, vượt quá sức của đại gia đình, nên vẫn rất cần có thêm sự hỗ trợ của cộng đồng, mới có thể giúp anh Hanh, chị Giang chiến thắng bệnh tật; tiếp thêm động lực để hai học sinh giỏi vượt khó vươn lên, chinh phục đỉnh cao tri thức. Trân quý lắm những tấm lòng!

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay trên vùng đất anh hùng

    Đổi thay trên vùng đất anh hùng

    Nông thôn mới -
    70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không thể quên địa chỉ đỏ Ngã ba Cò Nòi, nơi đã từng là “túi bom” hứng chịu những trận đánh phá ác liệt của Thực dân Pháp hòng cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường. Ghi nhận những đóng góp của địa phương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Cò Nòi đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Xứng đáng với truyền thống anh hùng, Cò Nòi hôm nay đang từng ngày khởi sắc.
  • 'Phòng ngừa từ sớm, từ xa tham nhũng, tiêu cực

    Phòng ngừa từ sớm, từ xa tham nhũng, tiêu cực

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả tháng 4/2024.
  • 'Bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số

    Bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số

    Xây dựng Đảng -
    Ngày 24/4, Trường Chính trị tỉnh Sơn La phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo Đề án số 03-ĐA/TU ngày 30/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (đợt I). Dự lễ khai giảng có đồng chí Lê Hồng Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
  • 'Phiên họp thứ 34, UBND tỉnh khóa XV

    Phiên họp thứ 34, UBND tỉnh khóa XV

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 24/4, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Phiên họp thứ 34, UBND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 4; triển khai nhiệm vụ tháng 5.
  • 'Du lịch Quỳnh Nhai sẵn sàng cho kỳ nghỉ lễ

    Du lịch Quỳnh Nhai sẵn sàng cho kỳ nghỉ lễ

    Du lịch -
    Nằm cách thành phố Sơn La 60 km, huyện Quỳnh Nhai có nhiều điểm đến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn, như: Cầu Pá Uôn, Đảo Trái tim, Đền Linh Sơn Thủy Từ, Suối khoáng nóng bản Bon, Vịnh Uy Phong... Khám phá cảnh đẹp vùng lòng hồ Quỳnh Nhai đang là lựa chọn hấp dẫn cho nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Các điểm du lịch, khách sạn trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã sắn sàng đón tiếp du khách tới tham quan, trải nghiệm.
  • 'Xanh mãi rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Xanh mãi rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Những ngày cuối tháng 4, thăm Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, được nghe, tìm hiểu khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi càng tự hào về đoàn quân giải phóng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
  • 'Bảo đảm giáo dục thực chất, bền vững

    Bảo đảm giáo dục thực chất, bền vững

    Khoa Giáo -
    Với sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, sau hơn 3 năm thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên 66% số trường học đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn chuyển biến rõ nét; tích cực thực hiện chuyển đổi số giáo dục.
  • 'Nuôi cá lăng nha theo tiêu chuẩn VietGAP

    Nuôi cá lăng nha theo tiêu chuẩn VietGAP

    Kinh tế -
    Khai thác tiềm năng nguồn nước, phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Nuôi cá lăng nha trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại huyện Quỳnh Nhai, mô hình hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích.
  • 'Chủ động phòng, chống cháy rừng

    Chủ động phòng, chống cháy rừng

    Xã hội -
    Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, huyện Bắc Yên đã tập trung chỉ đạo chủ động các phương án quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
  • 'Nông dân Song Khủa làm giàu từ chăn nuôi

    Nông dân Song Khủa làm giàu từ chăn nuôi

    Kinh tế -
    Là địa bàn thuộc khu vực lòng hồ sông Đà, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ có diện tích tự nhiên trên 5.200 ha với địa hình nhiều nương bãi, đồng cỏ. Tận dụng lợi thế đó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường.
  • 'Nữ bí thư chi bộ, trưởng bản gương mẫu

    Nữ bí thư chi bộ, trưởng bản gương mẫu

    Gương sáng bản làng -
    Bản Quyết Thắng, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã những năm trở lại đây đang có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển; cả bản có 62 hộ, nhưng hiện chỉ còn 1 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Năm 2023, Chi bộ bản Quyết Thắng được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết quả đó có vai trò đóng góp của bí thư chi bộ, trưởng bản Bùi Thị Dung.