Chiềng Sơ tạo việc làm cho lao động nông thôn

Những năm qua, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị  kết nối với các công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, phối hợp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo ở địa phương.

Lò sấy long nhãn của hộ dân ở bản Nà Cần 2, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã tạo việc làm cho lao động địa phương.

Ông Lò Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, cho biết: Toàn xã hiện có hơn 6.340 người trong độ tuổi lao động. Hàng năm, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với ban quản lý các bản tiến hành rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, lao động chưa qua đào tạo, gắn với nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, để xây dựng kế hoạch tạo việc làm phù hợp cho người dân.

Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả hơn 1.850 ha đất sản xuất nông nghiệp. Rà soát diện tích đất trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả. Cải tạo vườn tạp bằng cây nhãn miền, nhãn ghép, cây xoài ghép... Hiện, xã có hơn 1.800 hộ dân trồng 838 ha cây ăn quả, trong đó 700 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 7-8 tấn quả các loại/ha/vụ. Số diện tích đất nông nghiệp còn lại, xã vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc tiếp tục trồng các loại cây ngô lai, sắn cao sản, bí đỏ, lạc, đỗ, gừng. Năm 2022, sản lượng ngô ước đạt trên 1.400 tấn và 2.400 tấn sắn.

Hàng năm, xã Chiềng Sơ đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện về chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hàng nghìn lượt người dân. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, dự án, chương trình, nguồn kinh phí của địa phương được giao hàng năm và các nguồn huy động khác khoảng 8 tỷ đồng, xã đã lựa chọn đối tượng hỗ trợ vốn phát triển sản xuất hoặc đào tạo nghề, với các nhóm đối tượng: Quân nhân xuất ngũ; người nghèo; học sinh đã tốt nghiệp THPT... Trong năm 2022, từ các nguồn vốn này đã có trên 100 lao động có việc làm ổn định, xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả.

Với thế mạnh về nghề sấy long nhãn, người dân trong xã đã đầu tư xây dựng được 194 lò sấy long nhãn tư nhân, trong đó 84 hộ được hỗ trợ với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng theo Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh về quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021 trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động địa phương.

Lò sấy long nhãn của gia đình anh Cà Văn Long, bản Nà Cần 2, tiêu thụ trên 400 tấn quả nhãn tươi/năm, tạo việc làm thời vụ cho 20 - 30 lao động địa phương, với mức tiền công từ 150-250 nghìn đồng/người/ngày. Anh Long cho biết: Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhãn tại địa phương khó tiêu thụ, nên gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng lò sấy long nhãn để giải quyết đầu ra cho quả nhãn của gia đình và người dân trong bản.

Xã Chiềng Sơ còn phối hợp giới thiệu lao động địa phương với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động. Tính từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã có 1.250 lao động đi làm việc tại các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và Bình Dương... Nhiều lao động đi làm việc ngoài tỉnh có thu nhập khá đã thoát nghèo, mua sắm được đồ dùng sinh hoạt, sửa chữa nhà ở hoặc xây mới nhà ở khang trang.

Anh Lường Văn Thanh, bản Luấn, chia sẻ: Từ năm 2017, vợ chồng tôi đi làm công ty gỗ ở tỉnh Bắc Ninh, thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Sau 5 năm tiết kiệm, tôi đã thoát nghèo và xây được ngôi nhà kiên cố, có điều kiện chăm lo cho các con học hành chu đáo.

Đến nay, xã Chiềng Sơ có gần 94,5% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Hàng năm, từ 1,5 - 3% số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn 5,59%; thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo.

 Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98%, xã Chiềng Sơ đang tiếp tục vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; rà soát nhu cầu học nghề của người dân để tham mưu với huyện tổ chức các lớp dạy nghề lĩnh vực nông nghiệp, sửa chữa, dịch vụ; tạo điều kiện cho lao động có nhu cầu được đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh..., góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới