Chiềng Ân nỗ lực giảm nghèo

Những ngày đầu xuân, chúng tôi trở lại xã Chiềng Ân, huyện Mường La. Trước đây, để lên được Chiềng Ân phải mất hơn 3 giờ đồng hồ, nay đã có đường nhựa, đường bê tông, nên việc đi lại khá thuận lợi. Mùa này, bà con các bản đang chuẩn bị đất để gieo trồng vụ mới; những vườn táo sơn tra đang đâm chồi, nảy lộc.

Trung tâm xã Chiềng Ân, huyện Mường La.

Chiềng Ân có 6 bản, hơn 560 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và La Ha. Xã có hơn 660 ha đất nông nghiệp. Trước đây, bà con chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nên năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi thấp. Từ thực tế trên, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển một số diện tích đất lúa nương sang làm ruộng bậc thang; trồng cỏ voi nuôi trâu, bò nhốt chuồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Cải tạo diện tích cây sơn tra lâu năm và trồng cây thảo quả, cây sa nhân dưới tán rừng kết hợp trồng rừng. Diện tích lúa ruộng bậc thang tăng từ 50 ha năm 2018 lên hơn 100 ha năm 2022; cải tạo và trồng mới hơn 100 ha sơn tra, 60 ha cây thảo quả, 25 ha cây sa nhân dưới tán rừng.

Ông Quàng Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ân, cho biết: Năm 2022, sản lượng lúa ruộng bậc thang đạt trên 400 tấn và gần 250 tấn lúa nương, lương thực cơ bản được bảo đảm, không còn tình trạng đói giáp hạt. Từ nguồn vốn của Nhà nước, nhân dân trong xã đã đóng góp công lao động kiên cố hóa hơn 6 km mương dẫn nước nội đồng, đổ bê tông trên 2,7 km đường nội bản, liên bản và 2 sân chơi điểm trường bản Sạ Súng, Hán Trạng rộng 150 m².

Năm 2022, các tổ chức đoàn thể xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 5 tỷ đồng cho trên 200 hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển kinh tế. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ hơn 20 con trâu, bò, dê giống sinh sản; hỗ trợ giống trồng 5,5 ha cây ăn quả, cây quế; hỗ trợ xây dựng 54 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Về bản Lạng Xua, bà con đang bắt tay vào làm đất, gieo cấy vụ  xuân. Tiếng máy cày cầm tay nổ giòn trên những thửa ruộng bậc thang, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cứ A Chu, thông tin: Ngoài trồng hơn 50 ha cây sơn tra, nhiều gia đình trong bản còn trồng cỏ voi, chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng, nhiều hộ có thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, như gia đình ông Sùng A Chu, Thào A Di, Tráng A Tủa, Thào A Tếnh. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm bản có 8 - 10 hộ thoát nghèo.

Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Giàng A Pánh, bản Tà Pủ Chử. Anh Pánh kể: Năm 2017, tôi mua giống thảo quả từ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái về trồng gần 3 ha dưới tán rừng. Sau 2 năm cây thảo quả cho thu hoạch, vụ đầu bán quả tươi được hơn 60 triệu đồng. Vụ năm 2022, thu được trên 1,5 tấn quả khô, bán với giá 80 - 90 nghìn đồng/kg, thu gần 135 triệu đồng, thương lái đến tận bản thu mua. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi 5 con trâu, bò và hơn 50 con gia cầm/lứa, mỗi năm thu nhập thêm 70 triệu đồng.

Năm 2022, xã Chiềng Ân có 30 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 251 hộ. Từ nay đến hết năm 2025, xã tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các loại giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đảm bảo thu nhập ổn định, bền vững cho người dân, phấn đấu mỗi năm giảm từ 5 - 7% hộ nghèo.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới