Chăm lo đời sống người khuyết tật

Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người khuyết tật từ những việc làm thiết thực, như vận động hỗ trợ làm nhà tình thương; hỗ trợ phát triển kinh tế; trao tặng xe lăn; nhận đỡ đầu trẻ khuyết tật; thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết...

Những việc làm đó đã và đang được các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong tỉnh chung tay, góp sức giúp người yếu thế giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hội Khuyết tật và bảo trợ trẻ mồ côi tỉnh trao quà cho trẻ khuyết tật Thành phố. Ảnh: Thu Thảo

Ông Phạm Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng T668, chia sẻ: Công ty luôn quan tâm ủng hộ quỹ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi. Đồng thời, nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu 64 trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật đang theo học tại các trường trong tỉnh, với mức hỗ trợ từ 150.000 đến 300.000đồng/tháng/cháu. Ủng hộ xây dựng nhà tình thương cho hai trường hợp huyện Quỳnh Nhai, trị giá 20 triệu đồng. Công ty đang vận động nguồn quỹ và khảo sát để năm 2023 hỗ trợ xây dựng khoảng 10 nhà tình thương cho những người yếu thế.

Bị khuyết tật về mắt từ nhỏ, nhưng anh Vì Văn Sử, tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La được hỗ trợ học nghề nên đã có thu nhập ổn định. Anh Sử tâm sự: Năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ và gia đình khuyến khích, động viên, tôi về Hà Nội học nghề mát xa tại Trung tâm dạy nghề cho người khiếm thị. Hoàn thành thời gian học, tôi ở lại Hà Nội làm việc để học hỏi thêm kinh nghiệm. Năm 2018, tôi trở về thị trấn Ít Ong mở cơ sở mát xa, có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Tôi có việc làm và thu nhập ổn định, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 31 nghìn người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, với các loại khuyết tật: Vận động, nghe, nói, nhìn, thần kinh, tâm thần, trí tuệ... Phần lớn những người yếu thế này sống trong cộng đồng, chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của gia đình, họ hàng và xã hội. Nhìn chung, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn; một số người tự ti khi hòa nhập cộng đồng.

Bà Lường Thị Phưa, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh tỉnh, cho biết: Hàng năm, Hội đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về trợ giúp, hỗ trợ người khuyết tật học văn hóa, dạy nghề. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà tài trợ, nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để những người khuyết tật hòa nhập cuộc sống cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội đã tích cực tham gia xây dựng nguồn quỹ bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi. Trong năm 2022, các cấp hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi còn kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ bằng tiền mặt và hiện vật, tổng trị giá hơn 3,2 tỷ đồng. Các đơn vị thường xuyên ủng hộ là: Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng T668; Ngân hàng An Bình; Ngân hàng Nhà nước; Cục Thuế tỉnh; Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh; ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo... Từ các nguồn thu trên, cùng với quỹ hội, các cấp hội trong tỉnh đã thăm, tặng quà, trợ giúp 15.600 lượt người khuyết tật và trẻ mồ côi, với tổng trị giá gần 4,9 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 22 “Nhà tình thương”, “Nhà đại đoàn kết”. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có trên 300 người khuyết tật còn khả năng lao động được dạy nghề, tạo việc làm, với các nghề chủ yếu là sửa chữa, đóng giày dép da, xoa bóp mát xa, làm chổi chít...

Nâng cao đời sống tinh thần cho người khuyết tật, Hội quan tâm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Trong 2 năm (2018 và 2021), Hội đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 2 giải thể thao dành cho người khuyết tật, với các môn: Điền kinh; bóng bàn; cầu lông; đẩy tạ; cử tạ; ném lao; bơi lội. Qua đó, tạo cơ hội cho người khuyết tật được giao lưu, xóa bỏ tự ti, mặc cảm để hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.

Với sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong toàn tỉnh đã động viên, tiếp thêm nghị lực, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ổn định.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới