VNPT nỗ lực kết nối Internet

Trong hơn 25 năm qua, có khoảng 70 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, đạt độ phủ hơn 70% dân số. VNPT đã nỗ lực, phấn đấu, góp phần đưa Việt Nam kết nối sâu rộng toàn cầu.

Nhân viên Trung tâm kinh doanh VNPT Sơn La giới thiệu với khách hàng các gói dịch vụ Internet của VNPT.

Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc VNPT Sơn La cho biết: Đến ngày 19/11/1997, cánh cổng kết nối Internet đến thế giới chính thức được mở ra, khi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) được trao giấy phép cung cấp dịch vụ. Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm người dân Việt Nam có thể truy cập Internet. Thông điệp đầu tiên từ Việt Nam ở cột mốc này là câu chào “Hello the World”, được VNPT gửi đi. Khi đó, hạ tầng Internet Việt Nam vẫn chỉ có tốc độ 64 Kb/s kết nối đi quốc tế cho khoảng 300 người sử dụng với hai hướng chủ yếu là Mỹ và Australia. Đến tháng 10/2000, Văn phòng Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 58-CT/TW về việc “đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

2 năm sau, thị trường Internet Việt Nam bắt đầu sôi động, với sự cạnh tranh cao hơn khi đạt khoảng 1,8 triệu người sử dụng Internet. Như vậy, sau gần 6 năm kết nối mạng toàn cầu, mới có khoảng 4% dân số Việt Nam dùng Internet. Tỷ lệ này ngày nay là hơn 70%.

Dịch vụ Internet băng rộng có mặt ở Việt Nam năm 2003 với sự ra đời của Mega VNN, do VNPT cung cấp. Không chỉ “giải phóng” đường dây điện thoại, kết nối ADSL có tốc độ vượt trội, khiến nhu cầu sử dụng bùng nổ. Những điểm cung cấp dịch vụ Internet mọc lên tại nhiều thành phố lớn cũng giúp cho nhiều người tiếp cận được với mạng toàn cầu hơn.

Năm 2009, Internet cáp quang (FTTH) chính thức được triển khai, với tốc độ vượt trội ADSL và nhanh chóng thay thế cáp đồng. Các nhà mạng cũng tích cực triển khai thay thế hạ tầng cáp đồng bằng cáp quang trong thập niên 2010.

Ông Thắng thông tin thêm: Đến nay, tại Việt Nam đã có rất nhiều ISP. Theo số liệu tính đến hết tháng 10/2022, có 3 ISP băng rộng cố định lớn nhất là VNPT (40,57%), Viettel (40,14%) và FPT (18,83%). Việt Nam trở thành quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN vào năm 2013, với 16,1 triệu người dùng Internet hàng tháng. Cũng từ đầu những năm 2010, thị trường trong nước đã được đánh giá cao về tiềm năng các ngành kinh tế số, chẳng hạn như thương mại điện tử. Năm 2020, Việt Nam có khoảng 45.500 doanh nghiệp ICT, đem lại doanh thu khoảng 126 tỉ USD. Mở Internet vào năm 1997 là chậm so với thế giới, nhưng tăng trưởng Internet của Việt Nam được nhiều bên đánh giá cao.

“Từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng Internet tại Việt Nam tiếp tục tăng hơn 30%. Nhiều hoạt động, đặc biệt là học và họp trực tuyến, được đưa lên môi trường số tạo lưu lượng truy cập lớn”, đại diện nhà mạng VNPT cho biết.

Việt Nam cũng đang nằm trong số các nước triển khai IPv6, giao thức Internet mới nhất, cao nhất toàn cầu, với tỷ lệ ứng dụng IPv6 nằm trong top 10 thế giới và cao hơn gấp đôi khu vực ASEAN. Kinh tế số dự kiến sẽ đạt giá trị 49 tỉ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng hàng năm 31%, với đóng góp chính đến từ thương mại điện tử.

Tuy nhiên, tần suất tiêu thụ nội dung số của người Việt lại thấp hơn so với trung bình khu vực Đông Nam Á. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Báo cáo e-Conomy SEA 2021 công bố tháng 11/2021, do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, cho rằng nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỉ USD về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, một mục tiêu phát triển hạ tầng đặt ra là phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh và tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

VNPT đang sở hữu hệ sinh thái dịch vụ đa dạng bao phủ khắp cả nước, gồm: Mạng di động, viễn thông, internet hơn 30 triệu thuê bao, kết nối hơn 30.000 trường học, hơn 20.000 nhà thuốc, hơn 7.000 cơ sở y tế, kết nối thanh toán hơn 5.000 dịch vụ hành chính công và dịch vụ thiết yếu (điện, nước)...

Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn tăng tốc của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. VNPT hướng các mục tiêu của chương trình này sẽ bao gồm hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, kinh tế số chiếm 30% GDP và thu hẹp khoảng cách số.

VNPT Sơn La đang nỗ lực chủ động trong xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, VNPT Sơn La đã tham gia dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Sơn La và UBND huyện, thành phố triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng đến 100% xã, phường, thị trấn, lắp đặt, khai báo, hòa mạng, hướng dẫn vận hành hệ thống của dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ đề ra, Ngoài ra, còn đồng bộ hơn 1.315.130 dữ liệu công dân trên địa bàn tỉnh lên hệ thống; trong đó, đã rà soát, làm sạch 1.311.769 trường hợp, đạt 99,74%; đã thu nhận 795.029 hồ sơ CCCD gắn chíp điện tử, đạt 85,20% kế hoạch.

Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, VNPT chú trọng phủ rộng, nâng cao số lượng người dân được sử dụng Internet, góp phần nâng cao tần suất tiêu thụ nội dung số của người Việt trong những năm tiếp theo.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới