Nhân rộng các chương trình, mô hình khuyến nông

Với mục tiêu đa dạng hóa các loại cây trồng, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh việc chuyển giao, hướng dẫn người dân áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất theo hướng bền vững; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông.

 

Mô hình trồng rau trong nhà lưới tại xã Vân Hồ.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ cho biết: Thực hiện chức năng nhiệm vụ, hàng năm, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo xây dựng các mô hình khuyến nông đa dạng về cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng mang tính đặc trưng vùng; tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, ủ phân vi sinh; tổ chức hội thảo đầu bờ cho các hộ nông dân tại các xã, thị trấn để triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn.

Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức triển khai 14 chương trình, mô hình, dự án với 57 hộ nông dân tham gia hưởng lợi, như: Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho một số loại cây ăn quả; ghép cải tạo vườn tạp; trồng hoa, cà chua Beef, cải xoăn Kale trong nhà lưới; trồng cây ăn quả tập trung trên đất dốc theo hướng liên kết, chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tạo các vùng sản xuất quy mô, sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, còn tổ chức 32 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 800 lượt nông dân, tổ chức 7 hội thảo tổng kết, tuyên truyền nhân rộng mô hình cho 210 lượt nông dân.

Phát huy lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Vân Hồ với nền nhiệt độ khoảng 18,5ºC, mùa hè mát ẩm và mưa nhiều, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.560 mm, độ ẩm không khí 85%, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình trồng hoa Cát tường gắn với phát triển du lịch sinh thái Mộc Châu, Vân Hồ.

Gia đình chị Lò Thị Oanh, bản Hang Trùng 1, xã Vân Hồ được lựa chọn để thực hiện mô hình trồng 30m² hoa Cát tường trong nhà lưới. Trung tâm cung cấp 11.000 cây giống, phân bón, trị giá trên 45 triệu đồng. Gia đình có trách nhiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch và tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn đến tham quan, học hỏi để trở thành mô hình để nhân rộng. Chị Oanh chia sẻ: Cây hoa Cát tường được gia đình chăm sóc bằng hệ thống tự động tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân đến từng gốc. Với ưu điểm hoa nhiều nụ, màu sắc đẹp và tươi từ 2 đến 3 tuần, nên vườn hoa của gia đình được nhiều người trong huyện đã đến tham quan, chiêm ngưỡng và chụp ảnh tại vườn hoa.

Từ thành công của mô hình trồng hoa Cát tường, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức hội thảo giới thiệu kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa với sự tham gia của đại diện các xã, HTX và người dân quan tâm về loại hoa này. Qua đó giúp các HTX, doanh nghiệp, người dân có thêm lựa chọn cây phát triển cây trồng mới trên địa bàn.

Cùng với đó, thực hiện kế hoạch trồng dứa nguyên liệu theo chuỗi liên kết cung cấp cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các phòng chuyên môn và UBND các xã: Xuân Nha, Tân Xuân, Mường Men, Mường Tè rà soát nhu cầu, diện tích quỹ đất, tuyên truyền, vận động các hộ tham gia trồng thử nghiệm trên diện tích 3,5 ha. Bà Đinh Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Xuân Nha, cho biết: Xã có 3 hộ được hỗ trợ tham gia mô hình với tổng diện tích 1 ha. Qua đánh giá sau 16 tháng trồng, chăm sóc, mô hình đã cho thu hoạch đợt 1 với sản lượng 25 tấn, thu nhập trên 120 triệu đồng. Chúng tôi cũng mong muốn huyện tiếp tục hỗ trợ để triển khai nhân rộng thêm nhiều diện tích trồng dứa trên địa bàn xã trong thời gian tới.

Sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong việc triển khai các mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, có định hướng đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để nâng cao thu nhập.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới