Làm chủ công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp số, thông minh, phù hợp với xu thế hội nhập, tỉnh Sơn La đã và đang phối hợp triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chủ động ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu đã xây dựng kênh bán hàng điện tử thông qua website, các trang mạng xã hội... Những thông tin về nguồn gốc sản phẩm, nhãn mác đều được cập nhật trên mỗi mã sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX còn được hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Từ khi đưa sản phẩm lên website, sàn thương mại điện tử, nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành trên toàn quốc đã biết đến sản phẩm và liên hệ đặt hàng. Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu có thêm những sản phẩm trái cây sấy dẻo, sấy giòn cung cấp cho thị trường.

           

Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La.

           

Chuyện bán hàng nông sản qua mạng xã hội hay trên kênh thương mại điện tử ngày càng phổ biến ở Sơn La. Chỉ cần gõ cụm từ "hoa quả" hay "nông sản Sơn La" trên các trang mua sắm trực tuyến như Shopee hay Vietpostmart, Voso..., người tiêu dùng đã có thể đặt và thưởng thức các sản phẩm nông sản chất lượng của Sơn La.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, cho biết: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, Bưu điện Việt Nam đã triển khai phương án vận chuyển tối ưu tới tay người tiêu dùng; đưa ra các chính sách thu mua có lợi cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm; thu thập thông tin hộ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ tham gia bán hàng, mua hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart/Argi-Postmart.vn.

           

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương qua kênh thương mại điện tử, các ngành chức năng, doanh nghiệp viễn thông của tỉnh đã phối hợp hỗ trợ đưa trên 400 sản phẩm của trên 12.700 hộ dân, trên 100 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất giới thiệu, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử uy tín, như Shopee, Lazada, Sendo, PosMart.vn, Voso.vn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai xây dựng "Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La". Đến nay, đã nhập đầy đủ thông tin cho 59 HTX, doanh nghiệp và 87 sản phẩm OCOP của 12 huyện, thành phố; các sản phẩm đưa lên hệ thống, đảm bảo tính chính xác và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

           

HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm hồng giòn.

           

Bên cạnh đó, tạo tiền đề chuyển đổi số trong nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; ứng dụng công nghệ vào quản lý bảo vệ rừng; cấp mã số vùng trồng... Xu hướng này đã giúp những doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong mọi quy trình sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có gần 18.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương tự; 24 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; có 181 mã số vùng trồng, diện tích 4.700 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; duy trì, phát triển 197 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn...

           

Là chủ thể của nền nông nghiệp hiện đại, nông dân là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chức năng đang là điểm tựa, tạo nền tảng giúp nông dân sớm làm chủ được công nghệ số; hỗ trợ nông dân đồng bộ hóa trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là mã số các vùng trồng; đào tạo, hướng dẫn nông dân tiếp cận công nghệ số...

           

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngành đã đặt ra một số mục tiêu phát triển tổng quát, như: Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ nông nghiệp sạch chiếm 20-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ thống phần mềm số hóa quản lý dữ liệu vùng trồng, dự báo các sản phẩm chủ lực gắn với bản đồ số; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết nối các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La với các sàn thương mại điện tử…

           

Mô hình tưới phun tự động cho cây thanh long điều khiển bằng điện thoại thông minh của HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn.

           

Chung sức chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban chuyển đổi số, Tập đoàn VNPT, cho biết: VNPT đang hỗ trợ ngành nông nghiệp xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin tổng thể ngành, gồm: Điều tra, thu thập, chỉnh lý, chuẩn hóa thông tin dữ liệu về: Đất nông nghiệp; trồng trọt; chăn nuôi; thủy sản… để phục vụ xây dựng lớp dữ liệu bản đồ GIS tích hợp vào hệ thống. Xây dựng App ngành nông nghiệp tỉnh, bước đầu tích hợp các dữ liệu thành phần về chăn nuôi, trồng trọt và sẵn sàng cho việc mở rộng đối với các ngành hàng khác... Qua đó, nông dân sẽ nhận được lợi ích trực tiếp từ thông tin thị trường, thông tin chỉ đạo điều hành, hướng dẫn về quy trình sản xuất và cảnh báo dịch bệnh...

           

Với sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân trong ứng dụng công nghệ tiên tiến cùng sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền, chuyển đổi số đã và đang từng bước hình thành một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.  

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới