Ký ức một thời làm báo

Tháng 6, những cơn mưa đã xóa đi không khí ngột ngạt của chuỗi ngày hạ. Tôi nhớ cha - cố nhà báo Hoàng Ngọc, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Khu Tây Bắc những năm 1965, người đã truyền cảm hứng, thắp lên trong tôi ngọn lửa đam mê nghề báo. Cha tôi đã đi rất xa, nhưng lưu bút vẫn còn đó về những bài báo chính luận, hồi ký, xã luận, những tấm ảnh của ông tâm huyết với nghề, đầy ắp sự kiện của một thời kỳ chiến tranh gian khổ chống đế quốc Mỹ. Những kỷ vật đó sau này trở thành nguồn cảm hứng, nguồn động lực cho mấy anh em chúng tôi nối nghiệp cha trở thành nhà báo.

                      

           

Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại cơ sở. (Ảnh chụp trước 27/4).           

Ảnh: Lò Linh

           

Nhớ những ngày còn bé, mỗi lần cha đi công tác xa, nhà đông anh em, nhưng tôi thường được ông ưu tiên cho đi cùng. Trên chặng đường đi, qua những phong cảnh đẹp, hoặc trước một sự việc ý nghĩa nào đó, cha thường hỏi cảm nhận của tôi thế nào? Thấy tôi im lặng, ông nói: Con người phải có chính kiến riêng của mình: thích hay không thích, đẹp hay xấu, tốt hay chưa tốt… phải có quan điểm rõ ràng.

           

Hàng tuần, cha tôi tổ chức cho năm anh em chúng tôi thi viết chữ đẹp, phần thưởng chỉ là quả chuối, cái kẹo, thế mà vui và hăng hái lắm. Sau này đến cấp hai phổ thông, mỗi khi xem xong một bộ phim hoặc một vở kịch, cha thường thử thách tôi bằng việc yêu cầu viết cảm nhận, hoặc diễn lại một đoạn vở kịch mà mình đã được xem. Không biết tất cả những việc làm đó của cha có phải là cố ý hay vô tình, nhưng thực sự nó là bài học vỡ lòng quý giá cho tôi những ngày bước chân vào nghề báo.

           

Mặc dù đã học qua khá nhiều trường khác nhau, nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn đến với nghề báo như một định mệnh. Là phóng viên báo hình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, ba lô, máy móc trên vai, là con gái, nhưng tôi cùng các đồng nghiệp rong ruổi khắp đất nước và còn vinh dự được sang nước bạn Lào làm phim tư liệu hàng tháng trời, nhưng nặng lòng nhất vẫn là những năm tháng đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Tôi còn nhớ như in, khi bước chân vào Đài, được lãnh đạo phòng phóng viên giao cho cái camera M7 cũ rích (lúc bấy giờ máy móc thiếu thốn, phóng viên mới tò te thì chỉ được sử dụng máy cũ), kèm theo lời giao việc: Làm phóng sự về các cô gái Yên Châu bắn rơi máy bay Mỹ!. Tôi hăng hái đi về miền “Chuối ngọt xoài thơm” khi quả đang mùa chín rộ. Những “cô gái Châu Yên” nay đã thành các bà, các mẹ. Họ nhiệt tình ra tận cầu Tà Vài, tạo cảnh tiểu đội nữ dân quân năm nào mặc áo cóm váy trắng, nắm tay nhau thành hai hàng, ngâm mình suốt đêm trên con suối Sặp Vạt thay làm cọc tiêu dẫn đường cho xe bộ đội đi qua dưới làn bom đạn. Kết quả tác phẩm cũng đã được chấp nhận duyệt phát sóng.

           

Làm nghề báo cũng chẳng khác gì con chim chọn hạt, đòi hỏi sự cần mẫn, chắt chiu cho mình những tư liệu quý để chắp bút nên những tác phẩm đầy ắp giá trị. Năm 2004, tỉnh Sơn La bắt tay vào triển khai dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La và năm 2007 chủ trương đưa cây cao su vào trồng thí điểm trên diện tích 70 ha đất Phiêng Tìn, huyện Mường La. Có cùng đồng nghiệp lăn lộn với bà con nông dân ngay từ những ngày đầu vỡ đất khai hoang, ươm mầm cao su đầu tiên, hay sống cùng bà con vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La, mới thấu hiểu trách nhiệm nặng nề của người làm báo trong công tác thông tin tuyên truyền, hiểu nghĩa tình đồng nghiệp cùng sẻ chia trên mỗi chặng đường tác nghiệp. Những ngày đến với bà con dân tộc vùng di dân, nắng cháy, bọ chó đốt đầy người, ăn uống qua quýt, bao khó khăn không quản ngại, nhưng khi ghi hình bà con lưu luyến chia tay trên bến sông Nà Tở để về các điểm tái định cư, để lại lòng sông nhà cửa, đất đai, mồ mả cha ông vì dòng điện của Tổ quốc, nước mắt chúng tôi đã chảy ướt nhòe ống kính. Tôi nhớ mãi hình ảnh một bà mẹ già tiến ra phía bờ sông vốc nước lên rửa mặt trước lúc rời quê cũ, như muốn nói lời tạm biệt với con sông đã bao đời gắn bó. Những thước phim thật quý giá về một “cuộc cách mạng lòng người”.

           

Nghề báo - nghề vinh quang và vất vả, nhưng khi đã vào cuộc thì vô cùng cuốn hút, bởi đặc thù nghề nghiệp là được đi nhiều, biết nhiều, được nói lên chính kiến của mình, tự hào vì được góp phần công sức nhỏ bé cho đất nước. Phải chăng vì thế mà cả đại gia đình cố nhà báo Hoàng Ngọc - cha tôi, đều nặng lòng với nghề, đã có 6 người con, cháu đỗ cử nhân báo chí. Hôm nay, sau gần 30 năm gắn bó với nghề báo, cảm thấy thanh thản vì mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong niềm vui của Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin chúc các nhà báo luôn “Mắt sáng - lòng trong - bút sắc”.

           

Hoàng Liên (Thành phố)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới