“Bảo mẫu” của lan rừng

Trong chuyến công tác ở huyện Thuận Châu, chúng tôi được giới thiệu về mô hình trồng lan rừng của anh Tòng Văn Din ở bản Nà Cài, xã Chiềng Ly. Với hàng nghìn giỏ lan rừng đủ loại, anh Din được ví như “bảo mẫu” của lan rừng ở vùng đất này.

Anh Tòng Văn Din chăm sóc vườn lan của gia đình.

Đã hẹn trước, nên khi chúng tôi đến, anh Tòng Văn Din dẫn ngay ra vườn lan cạnh nhà, rồi say mê giới thiệu về từng loại hoa lan quý đang hiện diện tại vườn. Qua câu chuyện cởi mở với anh, chúng tôi dần hiểu cơ duyên đưa anh đến với nghề trồng lan rừng. Vốn yêu thiên nhiên, đam mê phong lan rừng từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp Đại học năm 2009, anh Din trở về quê hương, quyết tâm lập nghiệp bằng nghề trồng lan rừng. Đam mê có thừa, nhưng mới làm nên kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc lan chưa nhiều, bởi thế thành công bằng nghề trồng lan chưa tới. Thất bại nhưng anh vẫn miệt mài tìm hiểu, bỏ thời gian, công sức đi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tìm học kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống từng loại lan...

Đi giữa những giàn phong lan đua nhau khoe sắc, anh Din xởi lởi: Để có những giỏ hoa đẹp, sinh trưởng phát triển tốt, tôi tính toán thiết kế vườn thông thoáng, các giàn treo hoa cao từ 1,5 m trở lên, phía trên được phủ bằng lưới có độ che nắng 50%, vườn được chia thành nhiều tầng. Tầng trên treo những giỏ trưởng thành, đã thuần, ít phải theo dõi chăm sóc. Tầng dưới treo những giỏ lan chưa thuần, cần phải theo dõi, chăm sóc nhiều. Tất cả các loại hoa lan cần gió rất nhiều, để có một giỏ lan đẹp phải có mái che, có dàn thoáng, vệ sinh sạch sẽ. Nhà tôi hiện có 3 vườn lan tổng diện tích hơn 2.000 m².

Qua bàn tay khéo léo, chăm sóc công phu, vườn lan nhà anh Din có tới hơn 4.000 giỏ thuộc 40 loại, được ghép theo nhiều kiểu dáng khác nhau. Mỗi giỏ lan ở đây có giá từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng, cá biệt có những giỏ trị giá cả trăm triệu đồng. Trồng lan vừa giúp anh thỏa mãn niềm đam mê, vừa đem lại nguồn thu, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 300 đến 400 triệu đồng. Nhiều khách hàng không chỉ tìm đến anh để mua, thưởng thức lan, mà còn để học hỏi kinh nghiệm, cách trồng, chăm sóc lan. 

Thất bại từ lan, thành công cũng từ lan, thế nên mọi đặc tính của từng loại lan trong vườn, anh Din nắm rõ; anh sử dụng đủ loại thân cây nhãn, gỗ lũa, dớn... để cấy lan, mỗi loại lan lại phù hợp với một loại giá thể, thân gỗ khác nhau. Mỗi năm lan chỉ nở một lần, đặc điểm sinh trưởng rất riêng nên khâu chọn giống và cách chăm sóc rất quan trọng. Hơn thế, nhiều giỏ lan được giá cao không chỉ do quý, hiếm mà còn do cách ghép, thiết kế của người trồng tạo dáng cho giỏ lan đẹp mắt và có ý nghĩa. Bên cạnh yếu tố về cây giống, tạo hình nghệ thuật, việc chăm sóc, nhất là phân bón hết sức quan trọng đối với sự sinh trưởng, phát triển của các loại hoa lan. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh Din đã thành công trong sử dụng phân dê để bón cho hoa lan. Hiện nay, ngoài việc ủ phân dê để trồng lan tại gia đình, anh Din còn thu mua phân dê để ủ, đóng túi bán cho người trồng lan trên khắp cả nước.

Chúng tôi ngỏ ý muốn tham quan khu vực nhân giống, anh Din đồng ý ngay. Bên những cành lan chi chít mầm non, anh chia sẻ: Đây chính là quá trình nhân ky (giống), những cành già nếu bỏ đi thì rất phí, nên tôi tập trung nhân ky lại. Bây giờ hoa lan trong tự nhiên còn rất ít, việc nhân giống sẽ giúp các loài hoa lan không bị tuyệt chủng và người chơi vẫn có được các loại hoa lan yêu thích để trồng, chăm sóc và thưởng ngoạn. Trồng lan không chỉ thỏa mãn đam mê, anh còn tạo việc làm cho một số sinh viên mới ra trường về chăm sóc vườn lan, để có thêm thu nhập.  

Mô hình trồng lan rừng của anh Tòng Văn Din là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn xã Chiềng Ly. Những năm qua, xã cũng đã tạo điều kiện cho gia đình anh Din vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng hoa lan, tạo điều kiện cho anh tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa và kinh nghiệm về công tác quảng bá, giới thiệu để tạo đầu ra cho sản phẩm hoa lan của mình.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới