Sốp Cộp xóa nhà tạm cho hộ nghèo

Tại các bản vùng cao, vùng sâu trên địa bàn huyện Sốp Cộp, đời sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc còn khó khăn, phải ở trong những ngôi nhà tạm. Với tinh thần tương thân, tương ái, không bỏ ai ở lại phía sau, huyện đã huy động các nguồn lực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, giúp họ có thêm động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Là một trong những hộ nghèo của bản Mường Và, xã Mường Và, nhiều năm qua, gia đình chị Lò Thị Thắm phải sống trong ngôi nhà tạm, cuộc sống khó khăn nên việc sửa chữa hay xây nhà mới đối với gia đình chị chỉ là điều mơ ước. Đầu năm 2021, gia đình chị được Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà ở. Chị Thắm chia sẻ: Với số tiền được hỗ trợ và sự ủng hộ của người thân, gia đình đã làm được ngôi nhà xây rộng 70 m2, tổng số tiền 120 triệu đồng. Mơ ước của tôi đã thành hiện thực, gia đình tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngôi nhà của chị Lò Thị Thắm, bản Mường Và, xã Mường Và được các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng.

Sốp Cộp còn 6/8 xã vùng III đặc biệt khó khăn. Số hộ nghèo, cận nghèo cao, chiếm 50,48%; còn 654 nhà tạm, nhà dột nát, tập trung ở các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lạn, Mường Lèo... Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Huyện ủy Sốp Cộp đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác xóa nhà tạm trên địa bàn. Thành lập các Tổ công tác, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, cận nghèo. Vận động các tổ chức xã hội, các đoàn thể, nhân dân hỗ trợ vật tư, ngày công... giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở.

Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động rà soát, đề xuất các phương án huy động mọi nguồn lực hoàn thành việc triển khai thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ ngay từ khi triển khai xây dựng, đảm bảo chất lượng nhà ở. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp chính quyền địa phương tổ chức rà soát, phân loại, chọn đúng đối tượng để triển khai hỗ trợ. Tăng cường về cơ sở đôn đốc, giám sát các hộ gia đình làm nhà với phương châm: Rõ đối tượng hỗ trợ, rõ cán bộ phụ trách, rõ phương thức thực hiện, rõ thời gian hoàn thành.

Ông Tòng Văn Nghịch, Chủ tịch UBND xã Púng Bánh, cho biết: Để xóa nhà tạm, nhà dột nát, xã đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ. Huy động các tổ chức đoàn thể đóng góp ngày công dựng nhà. Từ năm 2020 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, xã đã xóa được 39 nhà tạm. Phấn đấu đến năm 2024, sẽ hoàn thành xóa 13 nhà tạm, nhà dột nát còn lại. Đồng thời, tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích lũy để xây dựng nhà ở, từng bước tự xóa nhà tạm, nhà dột nát, ổn định cuộc sống lâu dài.

Từ năm 2020 đến nay, bằng các nguồn lực huy động được, huyện Sốp Cộp đã hỗ trợ cho gần 500 hộ xây nhà mới, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 29 tỷ đồng; huy động gần 5.000 ngày công hỗ trợ các gia đình xóa nhà tạm, dột nát. Các ngôi nhà mới đều có diện tích sử dụng từ 24 - 100 m², đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng. Nhờ được hỗ trợ nhà ở, nhiều hộ nghèo yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Với những giải pháp đồng bộ, cùng với sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Sốp Cộp góp phần ổn định đời sống của nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh trật tự và chủ quyền biên giới quốc gia.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới