Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), đến nay, các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta bước đầu đã khởi sắc nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả xứng tầm với tiềm năng, lợi thế. Việc định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam qua các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới còn không ít rào cản, chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh, sức hút trên thị trường nội địa và quốc tế.

 
Du khách nước ngoài tìm hiểu về nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống tại triển lãm “Muôn nẻo đường tơ”. (Ảnh DUY ĐĂNG)
Du khách nước ngoài tìm hiểu về nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống tại triển lãm “Muôn nẻo đường tơ”. (Ảnh DUY ĐĂNG)

Bài 1: Biến tiềm năng thành nguồn lợi kinh tế

Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3% cho GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến nay, chúng ta đã đạt được một số chỉ tiêu của Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020. Tuy nhiên, sức tiêu dùng sản phẩm công nghiệp văn hóa của người Việt vẫn nghiêng về hàng “ngoại” nhiều hơn hàng “nội”. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Thị trường văn hóa trong nước đang bị lấn át bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ bên ngoài.

Chiến lược đề ra nhiệm vụ huy động các nguồn lực trong xã hội để hình thành và phát triển ba trung tâm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm gắn với các địa danh có di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Vậy, các ngành công nghiệp văn hóa tại ba thành phố lớn này đang phát triển ra sao?

Đóng góp đáng kể cho GRDP

Thủ đô Hà Nội có hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, gồm: 5.922 di sản văn hóa vật thể, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Trong đó, nhiều di sản đã được UNESCO ghi danh, hoặc được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thành Cổ Loa, chùa Tây Phương, chùa Thầy… Hà Nội cũng là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa quy mô lớn. Thời gian qua, Hà Nội tập trung khai thác, phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, thời trang…

Trước dịch Covid-19, năm 2019, Hà Nội đón 29 triệu khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 103 nghìn tỷ đồng. Trong đó, du lịch văn hóa đóng vai trò mũi nhọn. Hệ thống làng nghề của thành phố hiện đạt doanh thu khoảng 20 nghìn tỷ đồng/năm, các làng nghề thủ công mỹ nghệ thuộc các nhóm ngành như: gỗ mỹ nghệ, gốm, lụa, sơn mài… đóng vai trò chủ lực trong kinh tế nông thôn. Đối với những lĩnh vực công nghiệp văn hóa của “thời hiện đại” như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, thời trang…, Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện gắn với phát triển du lịch văn hóa. Nhiều sự kiện đã trở thành thương hiệu, được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những trung tâm lớn nhất của cả nước về cơ sở sản xuất và thị trường điện ảnh. Các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực này tăng đều qua các năm, từ 674 cơ sở vào năm 2015 tăng lên 834 cơ sở vào năm 2019. Các cơ sở hoạt động trong ngành điện ảnh chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, với tỷ lệ hơn 98%. Năm 2019, ngành điện ảnh đã đóng góp 0,35% vào GRDP của thành phố.

Xác định các giá trị văn hóa là giá trị cốt lõi, bảo tồn tốt sẽ phát huy được tối đa giá trị du lịch văn hóa, những năm qua, thành phố Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-lễ hội hai bên bờ sông Hàn cùng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách tại các quận, huyện. Nổi bật là các chương trình vũ hội đường phố; âm nhạc đường phố; hát dân ca, hô hát bài Chòi và biểu diễn âm nhạc dân tộc; Vũ điệu Sông Hàn; Biểu diễn nhạc hơi; Tuồng xuống phố; Nghệ thuật sắp đặt và hơn 40 hoạt động nghệ thuật khác... tạo điều kiện, môi trường thưởng thức văn hóa nghệ thuật có chất lượng cho nhân dân và du khách. Du lịch văn hóa đã góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hút du khách lớn nhất của cả nước. 10 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng đón gần 3,1 triệu lượt khách lưu trú, tăng 182,4% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt hơn 15.114 tỷ đồng, tăng 78%.

Phát triển chưa xứng tầm

Các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đóng góp đáng kể cho tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn các thành phố, tạo nhiều việc làm cho xã hội. Năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa tại Hà Nội đóng góp gần 1,5 tỷ USD, chiếm khoảng 3,7% giá trị GRDP của thành phố. Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Hà Nội đang nỗ lực thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, giá trị sản xuất hằng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa đều tăng; năm 2019, đạt 38.916 tỷ đồng, chiếm 3,98% GRDP.

Mặc dù vậy, nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa chưa khai thác hết tiềm năng, phát triển chưa xứng tầm. Trong các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, du lịch văn hóa phát triển mạnh mẽ nhất. Song những di sản quan trọng như Hoàng thành Thăng Long mỗi năm mới chỉ đón vài trăm nghìn khách du lịch. Di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương chủ yếu đón khách trong ba tháng lễ hội đầu năm, chín tháng còn lại gần như “ế” khách. Du lịch tại các làng nghề chưa được mở rộng, khách chủ yếu vẫn chỉ đến hai địa chỉ: Làng gốm Bát Tràng và Làng lụa Vạn Phúc. Số lượng nhà hát ở Hà Nội khá lớn, gồm cả hệ thống nhà hát của Hà Nội và các rạp, nhà hát của Trung ương.

Nhưng ngoại trừ Nhà hát Múa rối Thăng Long hoạt động với “năng suất cao”, từng được trao kỷ lục nhà hát “sáng đèn” 365 ngày/năm, hầu hết các nhà hát đều gặp khó khăn. Việc đầu tư các vở diễn mới tốn kém, nhưng các suất diễn chưa thu hút được đông đảo khán giả. Đoàn Xiếc Hà Nội tập hợp nhiều nghệ sĩ có tiếng, nhưng không có rạp biểu diễn cố định.

Thành phố Hồ Chí Minh được coi là trung tâm điện ảnh lớn nhất cả nước, nhưng hiện nay thành phố chưa có được trường quay tương xứng, các đoàn làm phim phải ra các tỉnh để làm phim. Nguyên nhân là do một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh chưa được thực thi nghiêm túc, như chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh, chính sách về dành quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị…

Đầu tư của Nhà nước cho cả sản xuất phim, phổ biến phim và cơ sở vật chất kỹ thuật rất hạn chế, không đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả. Nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%. Phim đặt hàng của Nhà nước phát huy hiệu quả xã hội không cao, số phim có thể ra rạp đếm trên đầu ngón tay.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng có hai nhà hát do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố quản lý gồm Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng. Ngoài xây dựng các vở diễn lớn theo chương trình hoạt động hằng năm, từ năm 2019, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã xây dựng chương trình Hồn Việt nhằm làm mới sản phẩm nghệ thuật, phục vụ khách du lịch. Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng là đơn vị tổ chức sự kiện có uy tín và mang tính chuyên nghiệp cao trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, Nhà hát phải đóng cửa, hủy rất nhiều chương trình. Nhà hát đã chuyển đổi hình thức, thực hiện ba chương trình nghệ thuật phát sóng trực tuyến để thu hút người dân theo dõi qua các trang mạng xã hội. Mặc dù Nhà hát đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cũng như có nhiều hỗ trợ đặc biệt, nhưng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên hệ hợp tác vẫn còn rất hạn chế. Sáu tháng đầu năm 2022, doanh thu Nhà hát chỉ đạt 32% so với kế hoạch.

Trong khi đó, các lĩnh vực như: quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đều đang manh mún, chưa hình thành những thương hiệu, tập đoàn lớn.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới