Nghề múa - sống bằng đam mê

Để có những giây phút tỏa sáng trên sân khấu, những diễn viên múa phải nhiều năm tháng miệt mài khổ luyện, dành cả tuổi xuân và tâm huyết cho niềm đam mê nghề nghiệp. Đằng sau ánh hào quang là vô số những giọt mồ hôi và cả những rủi ro khó tránh.

Một buổi luyện tập của các diễn viên múa Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh

 Nỗi niềm diễn viên múa

Diễn viên múa là một nghề đòi hỏi khắt khe về nhiều tiêu chuẩn. Những người theo nghề thường phải đáp ứng được các tiêu chí về nhan sắc, hình thể và nhất là năng khiếu bẩm sinh. Đây cũng là nghề đòi hỏi người học phải theo đuổi từ khi tuổi còn nhỏ, cần thời gian dài để học hành, khổ luyện mới có được một cơ thể dẻo dai, kỹ năng hoàn chỉnh, động tác thuần thục, biết cách cảm thụ được âm nhạc, đưa cái hồn của điệu múa vào trong từng chuyển động của cơ thể và biểu hiện của gương mặt, ánh mắt.

Chị Hoàng Thị Ngọc Nga, diễn viên múa Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh bắt đầu theo nghiệp múa từ năm 15 tuổi. Sau khi kết thúc 4 năm học múa chuyên nghiệp, chị về công tác tại Nhà hát cho đến nay. Chị Nga chia sẻ: Hơn 17 năm công tác, có rất nhiều kỷ niệm vui buồn và cả những gian nan khi theo nghề. Diễn viên múa không chỉ vất vả mà dễ bị những tai nạn nghề nghiệp. Những cú trượt ngã do sàn tập trơn, đồ diễn cồng kềnh hoặc thực hiện những động tác bê vác nhanh mà bạn diễn phối hợp chưa được ăn ý. 

Hay với nghệ sĩ ưu tú Lò Thị Thu, hơn 10 năm trong nghề với những chuyến công tác rong ruổi đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh. Những lúc ấy, mỗi người phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn, tự mang vác đồ đạc, xoong nồi, gạo, thức ăn..., tự nấu ăn, hỗ trợ dựng sân khấu; khi thì biểu diễn dưới trong cái nóng gắt gao của vùng lòng hồ sông Đà, lúc lại chịu cái lạnh thấu xương của vùng cao.

Những động tác khó đòi hỏi diễn viên múa phải có kỹ năng và sự phối hợp ăn ý

Nghệ sĩ ưu tú Lò Văn Thọ, biên đạo múa Nhà hát, tâm sự: Diễn viên múa thường có tuổi nghề ngắn, khó tìm được việc làm phù hợp khi tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo cho việc luyện tập, biểu diễn, thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Vì vậy, bất cứ ai khi đã xác định theo nghề múa là phải sống với nghề bằng niềm đam mê thực sự, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nghề nghiệp mình đã chọn.

Trái ngọt từ niềm đam mê 

Vất vả, gian nan là thế nhưng khi trò chuyện với các diễn viên múa của Nhà hát, trên gương mặt của họ vẫn luôn thường trực nụ cười trên môi, một sự vui vẻ, lạc quan và đam mê cháy bỏng với nghề nghiệp. Mỗi tác phẩm múa luôn cần sự hợp sức của cả tập thể, hiểu nhau để có sự ăn ý trong kết hợp động tác, nhất là những động tác khó.

Tác phẩm múa  “Vui đón mùa mới”, biên đạo NSƯT Trung Hưng (Ảnh: Minh Hải)

Những năm qua, Nhà hát luôn tạo được dấu ấn riêng khi cho ra đời nhiều tác phẩm biểu diễn giàu chất nghệ thuật và mang bản sắc riêng của Sơn La – Tây Bắc. Đặc biệt là những tác phẩm múa mang hơi thở cuộc sống, đưa ngôn ngữ nghệ thuật vào phản ánh nét đẹp của văn hóa các dân tộc, được khán giả đón nhận và được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong đó phải kể đến các tác phẩm: “Giữa dòng Đà giang” của biên đạo múa Minh Hải, đoạt huy chương vàng, tác phẩm “Vui đón mùa mới” của Nghệ sĩ ưu tú Trung Hưng, đoạt giải Nhì tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc (đợt 1) năm 2021; “Khèn ngược” của Hoàng Thị Nguyệt, đoạt giải Nhì thi Tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc 2019; … Không ít nghệ sĩ múa đã được ghi nhận đóng góp, cống hiến theo nhiều hình thức, đã có 3 biên đạo, diễn viên múa của Nhà hát được phong tặng là Nghệ sĩ ưu tú. Trong đó, chị Lò Thị Thu được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú khi tuổi đời còn rất trẻ, lúc chị chỉ mới 30 tuổi.

Tác phẩm múa “Giữa dòng Đà giang”, biên đạo Minh Hải (Ảnh: Minh Hải)

Nghệ sĩ ưu tú Lò Văn Thọ trải lòng: Với chúng tôi, được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng, của bà con nhân dân trong những chuyến công tác tại cơ sở là món quà lớn lao và ý nghĩa nhất trong sự nghiệp biểu diễn của mỗi nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu.

Gạt qua những vất vả, gian nan trong nghề, các nghệ sĩ, diễn viên múa của Nhà hát ca múa nhạc tỉnh vẫn đang từng ngày hăng say luyện tập và biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân cũng như phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với mỗi người nghệ sĩ, những giây phút tỏa sáng trên sân khấu chính là niềm hạnh phúc lớn lao, là thành quả của những tháng ngày khổ luyện rất đáng được công chúng, xã hội trân trọng và tôn vinh.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới