Hạn chế đến mức thấp nhất những tác động của hoạt động sơ chế nông sản tới môi trường, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đổi mới trong việc phân cấp kiểm tra, giám sát và gắn trách nhiệm người đứng đầu. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về nội dung này.
Phóng viên: Xin bà cho biết thực trạng hoạt động sơ chế nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Bà Lê Thị Thu Hằng: Sản xuất, chế biến nông sản hằng năm đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người nông dân và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, nhưng cũng đặt ra áp lực không nhỏ đối với môi trường.
Niên vụ chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến cà phê, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 1 nhà máy mía đường, quy mô tập trung, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố còn có một số cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, như: HTX Cà phê Bích Thao Sơn La, công suất chế biến 1.000 tấn cà phê quả tươi/năm; HTX Cà phê Đào Chiềng Ban, công suất chế biến 1.500 tấn cà phê quả tươi/năm; HTX Aratay - Coffee; HTX chè, cà phê AVINA...
Hiện nay, sản lượng quả cà phê tươi đưa vào chế biến tại các cơ sở chế biến cà phê có đầy đủ thủ tục pháp lý, hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt quy chuẩn mới chỉ tiêu thụ khoảng 35% sản lượng cà phê quả tươi trên địa bàn tỉnh. Dẫn đến, phần lớn cà phê tươi vẫn đang chế biến tại các hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý chất thải đạt quy chuẩn.
Hằng năm, đến vụ sản xuất cà phê, tình trạng ô nhiễm không khí do mùi và ô nhiễm nguồn nước do nước thải, vỏ bã cà phê đưa vào nước mặt, nước ngầm vẫn còn diễn ra. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng ô nhiễn nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn các xã: Chiềng Ban, Chiềng Mai, Mường Bon, Mường Bằng của huyện Mai Sơn.
Phóng viên: Sở Tài nguyên và Môi trường đã có những giải pháp như thế nào để phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến nông sản, thưa bà?
Bà Lê Thị Thu Hằng: Năm 2021, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Công văn số 690-CV/TU về việc tập trung quản lý đối với hoạt động sản xuất, chế biến cà phê, gắn với bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung rà soát, quan tâm tới việc sản xuất và chế biến cà phê; di chuyển các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm vào chế biến tập trung trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp. UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tập trung phân cấp công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Sở TN&MT quản lý các cơ sở chế biến quy mô tập trung; UBND cấp huyện, xã quản lý các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình); thành lập đoàn kiểm tra, tổ công tác giám sát hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường; ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND xã với Chủ tịch UBND huyện trong công tác bảo vệ môi trường; ký cam kết giữa các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trong bảo vệ môi trường, nguồn nước với Chủ tịch UBND cấp xã; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Sở cũng chú trọng đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục bằng camera qua các ứng dụng trên điện thoại và các thiết bị di động thông minh, để cập nhật và sẵn sàng kiểm tra, lấy mẫu đối chứng, kịp thời phát hiện các vi phạm.
Niên vụ 2023-2024, trước khi vào vụ sản xuất, Sở TN&MT đã chủ động rà soát, phân loại các cơ sở đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với 5 cơ sở cà phê, 3 cơ sở chế biến tinh bột sắn, mía đường. Thành lập 3 đoàn giám sát, đánh giá hiện trạng các công trình xử lý chất thải, nước thải, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của các cơ sở chế biến nông sản.
Qua giám sát, các cơ sở chế biến quy mô tập trung ngày càng nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, chủ động thu gom xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất theo đúng quy trình, lắp đặt hệ thống đồng hồ kiểm soát lưu lượng, hệ thống camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải. Hiện nay, 2 cơ sở chế biến tinh bột sắn và một cơ sở mía đường đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục, đang thực hiện quy trình truyền dữ liệu về Sở TN&MT.
Với các cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, giám sát, không để phát sinh các cơ sở tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động.
Nhìn chung, hiện nay, ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến, đa số các cơ sở đã đầu tư xây dựng các hồ chứa chất thải và bể biogas để lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh theo quy định. Tỉnh cũng định hướng cho các huyện thành lập các cơ sở xử lý môi trường tập trung, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Phóng viên: Xin bà cho biết thêm những giải pháp của tỉnh và ngành đã và đang triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản?
Bà Lê Thị Thu Hằng: Hiện nay công tác quy hoạch, đầu tư các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề chế biến nông sản gắn với đầu tư hệ thống xử lý môi trường tập trung còn hạn chế. Các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung chưa đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng nông sản toàn tỉnh, nhất là cà phê, dẫn đến phát sinh hoạt động sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm. Số lượng công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường còn ít, trong khi, các cơ sở chế biến nông sản chủ yếu hoạt động vào ban đêm (từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng), dẫn đến hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các cơ sở hộ gia đình chế biến nhỏ lẻ.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở TN&MT tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp. Duy trì các tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở có xả nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất, chế biến nông sản chưa được xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường; tăng cường giám sát đối với các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung; nâng cao hiệu quả phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục bằng camera giám sát truyền trực tiếp về các thiết bị di động thông minh; kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm cục bộ; không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Về lâu dài, tỉnh cần phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong sản xuất, chế biến nông sản (đặc biệt là cà phê) quy mô lớn để đổi mới công nghệ chế biến, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải, góp phần nâng cao chất lượng chế biến nông sản gắn với bảo vệ môi trường. Huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, các huyện thành phố và các cơ sở chế biến nông sản.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!