Đồng bào Dao tiền ở Sơn La có nền văn hóa lâu đời và đặc sắc được thể hiện thông qua các nghi lễ, trang phục truyền thống, tiếng nói và chữ viết… Trong đó, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của dân tộc Dao tiền mới đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mang đến niềm tự hào và là động lực to lớn khuyến khích đồng bào tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình.
Dân tộc Dao ở Việt Nam được chia thành nhiều ngành, nhóm địa phương, cùng một ngữ hệ và có sự khác nhau cơ bản về trang phục. Dao tiền là nhóm duy nhất mặc váy, trang phục có màu chàm là chủ đạo. Tại Sơn La, đồng bào dân tộc Dao tiền chiếm khoảng 1,7% tỷ lệ dân số của toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại một số bản thuộc huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Phù Yên. Trang phục Dao tiền tuy không sặc sỡ như trang phục Dao đỏ nhưng có những điểm nhấn ấn tượng với kỹ thuật tạo hoa văn kỳ công, chứa đựng nhiều ý nghĩa về quan niệm, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.
Học thêu cùng các mẹ, các chị từ khi còn là một bé gái 7,8 tuổi, đến nay, bà Bàn Thị Tươi, bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đã cao tuổi, mắt đã kém nhưng vẫn miệt mài thêu thùa, vẽ hoa văn bằng sáp ong. Nói về trang phục của dân tộc Dao tiền, bà Tươi giải thích: Trong quan niệm của dân tộc Dao, trang phục phải được nhuộm chàm tự nhiên mới có giá trị và được công nhận khi thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc. Cả váy và áo đều lấy màu chàm làm chủ đạo để để thêu, vẽ các hoa văn truyền thống. Riêng hoa văn trên váy thì phải theo khuôn mẫu chung. Còn khăn và áo thì ngoài các hoa văn mẫu, mỗi người có thể sáng tạo theo ý tưởng riêng, miễn sao giữ được nét đẹp truyền thống. Người phụ nữ khéo tay, cần cù, tỉ mẩn thì mới làm được những bộ hoa văn đẹp mắt, lên màu chuẩn đẹp.
Một bộ trang phục hoàn chỉnh của nam giới bao gồm: Áo, khăn quấn đầu, quần và có màu chàm là chủ yếu cùng một số hoa văn trên áo được thêu chỉ màu trắng đơn giản. Trang phục nữ giới luôn cầu kỳ hơn với áo, váy, khăn đội đầu, xà cạp, dây đai lưng cùng một số trang sức bằng bạc. Mỗi một bộ phận trên trang phục phải trải qua những công đoạn chế tác kỳ công và mất nhiều thời gian. Khăn và áo được làm từ vải thô trắng nhuộm chàm, sau đó thêu hoa văn lên mặt trước tấm vải, can ghép vải để tạo hình, đính hạt cườm và tua rua bằng chỉ màu đỏ hoặc hồng lên khăn. Riêng áo được thêu hoa văn bằng chỉ màu trên gấu áo, vạt và lưng áo với những kiểu hoa văn xếp tầng, điểm nhấn là hoa văn hình vuông cách điệu tượng trưng cho mặt trời được thêu ở lưng áo với các màu: đỏ, vàng, trắng, xanh nổi bật trên nền chàm đen nền nã.
Riêng váy của phụ nữ Dao được làm kỳ công nhất với nhiều công đoạn: Cắt vải, vẽ hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, chắp ghép vải và khâu tạo hình hoàn thiện chiếc váy. Hoa văn trên váy được tạo hình theo mẫu chung với 6 loại hoa văn chính: Hình đồng xu, kẻ ngang, hình chữ nhật xếp chồng vào nhau, hình chữ nhật có vạch kẻ bên trong, hình hoa văn sóng nước màu trắng, hình sóng nước màu chàm. Những hoa văn này đều được vẽ bằng sáp ong trên nền vải trắng, sau đó nhuộm chàm nhiều lần, phơi khô, đánh tan sáp ong để các phần vẽ bằng sáp ong giữ lại màu trắng nguyên bản với hình hoa văn được tạo hình đẹp mắt, nổi bật trên nền chàm. Những hoa văn trên váy đều thể hiện quan niệm nhân sinh trong tín ngưỡng của dân tộc Dao, mô phỏng về cuộc sống thường này, núi non, sông nước và ước vọng về đời sống thịnh vượng, tốt đẹp thông qua ý nghĩa của những hàng hoa văn đồng xu được tạo hình xuyên suốt chiều dài của chiếc váy.
Một điểm nhấn trong trang phục dân tộc Dao tiền không thể không kể đến là những chi tiết đồng bạc được đính sau gáy áo, trên khăn, hình đồng xu vẽ trên váy và trang sức bằng bạc như: Hoa tai, vòng cổ, vòng tay… Trong quan niệm của đồng bào, bạc trắng thể hiện cho sự giàu có, sung túc, phú quý. Đồng bạc cũng gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng, là lễ vật trong đám cưới và đồng bạc cũng là vật giữ hồn đi theo người chết về với cát bụi.
Ngày nay, bà con không cần phải trồng bông, dệt vải mà có thể lựa chọn các loại vải thô trắng được bán sẵn. Duy chỉ còn dây đai thắt lưng là được dệt tay bằng các loại chỉ và tạo hình thành dây màu đen + trắng hoặc dây lưng màu đỏ + trắng dùng cho cả nam và nữ trong những dịp phù hợp.
Bà Tươi nói thêm: Từ xưa đến nay, đồng bào Dao vẫn quan niệm, việc thêu thùa, làm trang phục thể hiện cho tài năng, đức hạnh, sự khéo léo, cần cù, chịu khó của người phụ nữ. Bởi để nhớ được các bộ hoa văn, nắm được kỹ thuật nhuộm chàm thành công, biết cách phối màu chỉ… thì các bé gái phải được học từ khi còn bé, phải thực hành qua nhiều năm tháng để hoàn thiện tay nghề và phải thực sự kiên nhẫn, tỉ mẩn để làm nên được bộ trang phục hoàn chỉnh.
Người phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo tác trang phục, giữ nét truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng là người nắm giữ việc trao truyền nghệ thuật tạo hoa văn cho thế hệ con cháu, kết nối truyền thống với cuộc sống hiện tại, truyền dạy cả phẩm chất quý giá của người phụ nữ cần có, đó là đức tinh kiên trì, nhẫn nại, cẩn trọng và sáng tạo trong từng đường kim, mũi chỉ. Từ đó, trở thành những người biết yêu thương, sẻ chia, giữ lửa hạnh phúc gia đình và gìn giữ gia phong truyền thống dòng họ. Và trang phục chính là nơi hội tụ những gía trị tốt đẹp trong cả quan niệm, tín ngưỡng, văn hóa ngàn đời và tinh thần của cộng đồng dân tộc trong đó.
Cùng với nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục dân tộc, dân tộc Dao ở Sơn La còn có lễ cấp sắc và nghi lễ rước dâu trong đám cưới truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những di sản vô giá, được đồng bào gìn giữ, bảo tồn qua nhiều đời và lưu truyền trong đời sống, văn hóa, tinh thần đến ngày hôm nay. Phát huy các di sản ấy vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu để đồng bào Dao giữ được vẹn nguyên giá trị truyền thống và nguồn cội của dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!