Bữa ăn bán trú, giúp học sinh yên tâm đến trường

"Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm qua các năm; học sinh có thời gian học tập, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; học sinh đoàn kết gắn bó hơn trong sinh hoạt tập thể và phụ huynh yên tâm khi con em học xa nhà…", đó là đánh giá của cô Nguyễn Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nặm Ét, xã Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai về kết quả triển khai thực hiện nấu ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn xã.

Một giờ học của thầy và trò Trường TH&THCS Nặm Ét.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nặm Ét có 1 điểm trung tâm và 9 điểm lẻ, 41 lớp học, 935 học sinh, trong đó, 484 học sinh thuộc diện bán trú, ăn, ở tập trung tại điểm trường trung tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng, thông tin: Nặm Ét là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai; thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp;  trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế, nên việc học của con trẻ chưa được quan tâm. Gần 10 năm trở lại đây, được sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt từ khi thực hiện chủ trương nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú, tình trạng học sinh tự bỏ học giữa chừng không còn xảy ra, chất lượng học tập được nâng cao.

Tại điểm trung tâm của khối tiểu học, bếp ăn nội trú khang trang với đầy đủ đồ dùng, thiết bị phục vụ nấu ăn. Chị Lò Thị Xoan, nhân viên nấu ăn, cho biết: Mỗi ngày, học sinh được ăn 3 bữa, sáng, trưa và tối. Thực đơn các bữa ăn được xây dựng theo tuần và niêm yết công khai. Đối với thực phẩm khô được nhập theo tuần, còn thực phẩm tươi được nhập theo ngày vào đầu giờ sáng, có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các bữa ăn của học sinh an toàn, đủ dinh dưỡng. Việc lấy mẫu thực phẩm để lưu được đảm bảo theo quy trình các bước. Hàng năm, nhân viên nấu ăn còn được tham gia tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, được khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

Một bữa ăn bán trú của học sinh Trường TH&THCS Nặm Ét.

Tiếng trống báo hiệu tan học, giờ ăn trưa, tại khu vực nhà ăn rộng, thoáng đãng của khối tiểu học, từng tốp học sinh phấn khởi nhận những phần cơm nóng hổi. Bưng trên tay khay cơm nóng hổi, em Lò Văn Long, học sinh lớp 5A3, bản Bó Ún phấn khởi nói: Ở bán trú, em không còn phải tự nấu ăn nữa, được nhà trường chuẩn bị chu đáo các bữa ăn có đủ rau và thịt. Sau giờ học, chúng em còn được các thầy cô tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, nâng cao kỹ năng sống và hướng dẫn trồng rau để bổ sung vào các bữa ăn hàng ngày.

Việc lưu mẫu thực phẩm được thực hiện theo quy định.

Còn em Lò Văn Công, lớp 2A1, bản Cà Pống, nói: Được đi học, được ăn, ở bán trú tại trường, bữa cơm nào cũng có thịt, cá, rau, canh nóng hổi, chúng em vui lắm, ai cũng ăn hết suất của mình để có sức khỏe, học tập tốt hơn. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành giáo viên.

Với một xã đặc biệt khó khăn như Nặm Ét, thì việc thực hiện mô hình bán trú là cơ sở để duy trì sĩ số, giúp các em học sinh tích cực học tập. Quản lý học sinh bán trú, nhà trường xây dựng nội quy và các quy định sinh hoạt khu nội trú theo giờ giấc, phân công giáo viên phụ trách phòng bán trú, quản lý học sinh sau giờ học.  Ngoài giờ học chính khóa trên lớp, vào buổi tối, các thầy cô giáo thay phiên hướng dẫn học sinh bán trú ôn lại bài và chuẩn bị bài mới. Đồng thời, giáo viên thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em yên tâm học.

Ngoài giờ học các em tham gia trồng rau.

Nhờ thực hiện tốt chế độ bán trú cho học sinh, chất lượng dạy và học của Trường TH&THCS Nặm Ét ngày một được nâng lên. Năm học 2021-2022, tỷ lệ huy động trẻ vào lớp 1 đạt 100%; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; 35% học sinh đạt học lực khá, giỏi; 91,8% số học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; 100% học sinh tốt nghiệp THCS.

Việc tổ chức nấu ăn bán trú không những tạo niềm vui cho trẻ khi cắp sách tới trường, mà phụ huynh cũng yên tâm hơn khi con em đi học xa nhà. Hiện nay, ngoài sự đầu tư quan tâm của Nhà nước, nhà trường cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện hỗ trợ về cơ sở vật chất. Trong tháng 8 vừa qua, Khối thi đua số 2, Công đoàn Viên chức tỉnh đã tặng trường 50 bộ bàn ghế, 1 máy lọc nước, trị giá trên 60 triệu đồng, giúp nhà trường tổ chức tốt bữa ăn bán trú cho học sinh. Để làm tốt công tác nấu ăn bán trú, thời gian tới, nhà trường tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất; tăng cường công tác quản lý, thực hiện tốt việc dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh; tăng cường kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong nhà trường.

Đối với xã vùng III đặc biệt khó khăn như Nặm Ét, việc nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh sẽ góp phần quan trọng duy trì sĩ số, nề nếp học tập và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường; từ đó, giúp các em học sinh đến được bến bờ của tri thức, thực hiện ước mơ của bản thân, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. 

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới