“Báu vật nhân văn sống”

Nghệ nhân dân gian là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện nay, bối cảnh hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, truyền thông, truyền bá sản phẩm nghệ thuật, công nghệ giải trí diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng các nghệ nhân sẽ luôn là “báu vật nhân văn sống”, là những người giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian.

Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả giới thiệu sách được xuất bản.

Sơn La - nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc riêng. Lưu giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc ấy có vai trò rất lớn của những nghệ nhân dân gian, những người nặng lòng với văn hóa truyền thống dân tộc.

Hơn 60 năm dày công nghiên cứu, sưu tầm, văn hóa Thái, Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả, hiện sống tại phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, đang lưu giữ kho tri thức đồ sộ về văn hóa Thái. Ông đang sở hữu bộ sưu tập đồ sộ với 27 tập, gồm 3.139 bài, 16.840 trang A4 đánh máy chữ Thái truyền thống Sơn La, chữ phiên âm, dịch ra tiếng phổ thông về những câu chuyện bản, mường; nghi lễ dân gian và văn học dân gian dân tộc Thái, nhiều nghiên cứu của ông được xuất bản và phát hành. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng niềm đam mê, nhiệt huyết với văn hóa dân tộc của ông Lả không hề phai nhạt, ông chia sẻ: Văn hóa dân tộc Thái rất phong phú, đa dạng, dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm theo... Còn sức khỏe, tôi sẽ vẫn nghiên cứu, sưu tầm để bảo tồn và truyền dạy cho con cháu, để văn hóa Thái trường tồn với thời gian.

Còn Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Quyết, sinh ra, lớn lên tại vùng quê bên sông Đà, xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, vì dòng điện Tổ quốc, đã chuyển tái định cư đến nơi ở mới tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn. Ông vẫn duy trì hát Then, đánh đàn tính và tổ chức các nghi lễ của dân tộc Thái trắng. Ngoài ra, ông Quyết còn truyền dạy cách thức hát Then, đàn tính cho những người yêu thích. Ông là người đưa dân ca Thái, đàn tính vào những tác phẩm biểu diễn đạt nhiều giải cao tại Liên hoan nghệ thuật hát Then - Đàn tính toàn quốc, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn, lưu giữ và phổ biến loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Ông Quyết chia sẻ: Hơn 20 năm tiếp thu và phát triển tiếng hát Then, tôi vẫn luôn lưu giữ và truyền dạy cho con cháu hằng ngày thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, nghệ thuật quần chúng ở bản, xã; vào mỗi dịp ngày lễ ngày tết luôn được tham gia biểu diễn phục vụ bà con nhân dân.

Qua 3 lần phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Sơn La hiện có 2 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”; 36 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đây là những nghệ nhân đang nắm giữ loại hình văn hóa phi vật thể, nghệ thuật trình diễn dân gian, tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội tín ngưỡng dân gian, có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Điểm chung ở các nghệ nhân là niềm say mê vô tận với văn hóa truyền thống và những trăn trở về gìn giữ giá trị cội nguồn dân tộc.

Tại Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, lần thứ 3 năm 2022, được tổ chức vào đầu năm 2023, đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã ghi nhận những đóng góp vô cùng quý báu của các nghệ nhân trong sự nghiệp văn hóa, bảo tồn phát huy giá trị truyền thống của tỉnh Sơn La. Đồng chí mong muốn, các nghệ nhân tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, tiếp tục quan tâm và thực hiện hiệu quả việc truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ trẻ trong cộng đồng dân tộc mình và phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần phổ biến, gìn giữ các nét đẹp văn hóa dân tộc, để văn hóa các dân tộc sống mãi với thời gian.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới