Bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc Thái

Thành phố Sơn La có 12 dân tộc anh em chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm đa số, với nhiều nét văn hóa độc đáo. Thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, có việc tuyên truyền, vận động thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái nhằm giữ gìn và khôi phục các phong tục tập quán tốt đẹp, văn hóa đa dạng, đặc trưng của các dân tộc gắn với xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ nhân trên địa bàn.

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố chú trọng xây dựng, phát triển các CLB văn hóa dân tộc Thái, thực hiện chức năng sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc Thái, như giữ gìn tiếng nói và chữ viết, các điệu múa, điệu xòe, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian... của dân tộc Thái. Các CLB chính là những nhân tố trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Giao lưu văn hóa Thái chào mừng Lễ hội Hoa ban năm 2023.

Hơn 2 năm qua, Thành phố thành lập 11 Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân tộc Thái, với trên 400 thành viên, gồm: Các nghệ nhân, diễn viên đang sinh sống, học tập, lao động, công tác trên địa bàn có năng khiếu, có khả năng sáng tác, dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật. UBND Thành phố phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh tập huấn văn hóa Thái, xòe Thái cổ cho 35 nghệ nhân của 12 xã, phường; duy trì hoạt động thường xuyên 180 đội văn nghệ quần chúng ở các tổ, bản; có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình ở các bản xây dựng cơ sở du lịch cộng đồng vừa đón du khách đến tham quan, vừa trải nghiệm các nét văn hóa dân tộc Thái.

Thành viên các Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn Thành phố tham gia thi xòe sáng tạo.

Thành lập và đi vào hoạt động tháng 12/2022, CLB văn hóa dân tộc Thái tổ 4, phường Chiềng An có 40 thành viên. Ông Quàng Văn Hặc, Chủ nhiệm câu lạc bộ, chia sẻ: Câu lạc bộ chia thành 3 nhóm: Nhóm ca múa nhạc, nhóm các trò chơi dân gian sinh hoạt vào chiều thứ 4 và thứ 5 hàng tuần; nhóm học chữ Thái sinh hoạt vào tối thứ 7 hàng tuần tại Nhà văn hóa tổ. Thành viên tham gia CLB trẻ nhất 40 tuổi, cao tuổi nhất trên 78 tuổi, là những nghệ nhân, những người có vốn am hiểu sâu về văn hóa dân tộc Thái tập hợp lại nghiên cứu, siêu tầm, giữ gìn, truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Còn Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi thành lập từ năm 2021, có 38 thành viên. Tham gia CLB, các nghệ nhân phối hợp nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy, giới thiệu quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Thái; tổ chức tập luyện các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các hội viên thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc Thái khi ở nhà, duy trì nghề làm thổ cẩm, chế biến các món ăn truyền thống để truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Ông Quàng Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Chiềng Cơi, chia sẻ: CLB văn hoá dân tộc Thái luôn chủ động phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng của phường, Ban Chỉ đạo hoạt động hè của phường mở các lớp học hát và dạy chữ Thái, truyền dạy các điệu xòe cổ và vũ điệu kết đoàn cho thiếu nhi; tổ chức 6 cuộc giao lưu, với nhiều hoạt động phong phú, như: Hát Thái cổ, xòe cổ, thêu khăn piêu và chơi các trò chơi dân gian…

Múa xòe tại Lễ hội Hoa ban năm 2023.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, Thành phố còn duy trì các lễ hội và chương trình nghệ thuật với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng. Gần đây nhất, trong khuôn khổ Lễ hội hoa ban thành phố Sơn La năm 2023, đã tổ chức nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa Thái, như: Thi thêu khăn piêu, thi người đẹp trình diễn trang phục dân tộc Thái nguyên bản và trang phục dân tộc Thái cách tân; thực cảnh người đẹp hoa ban trong trang phục dân tộc Thái; thi vòng xòe sáng tạo; trình bày ẩm thực dân tộc Thái; thi các môn thể thao, trò chơi dân gian tung còn, tó mák lẹ, phăn liêng… 

Thành phố Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi xã thành lập ít nhất 5 CLB tổ chức truyền dạy tiếng Thái và chữ Thái cho thế hệ trẻ vào các buổi tối và ngày nghỉ của học sinh; 50% học sinh dân tộc Thái biết nói tiếng mẹ đẻ; 20% dân tộc Thái biết đọc, biết viết chữ Thái. Các CLB sẽ tổ chức truyền dạy các nghề thêu khăn piêu, dệt thủ công, đan lát truyền thống cho thế hệ trẻ; dạy cách sử dụng, cách chế tạo nhạc cụ dân tộc; chế biến các món ăn truyền thống... góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, xây dựng Thành phố mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của tiểu vùng Tây Bắc.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới