Thăm nơi lưu giữ, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa

Đến thăm Bảo tàng tỉnh, nằm trong khuôn viên Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả, phường Tô Hiệu. Ấn tượng về nơi lưu giữ, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá với không gian, cách bài trí hiện đại, giàu bản sắc, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, là điểm đến của du khách lựa chọn mỗi khi đến thành phố Sơn La.

Chiến sỹ Trung đoàn 754, Bộ CHQS tỉnh tham quan tại Bảo tàng tỉnh.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, vừa dẫn chúng tôi thăm các khu vực trưng bày hiện vật, vừa giới thiệu: Hiện, Bảo tàng tỉnh đang quản lý và bảo quản 23.916 tư liệu hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương và quốc gia; trong đó, có 10.920 hiện vật và 12.996 tư liệu phim, ảnh, gồm: Các bộ sưu tập về hiện vật các dân tộc, khảo cổ học, lịch sử - văn hóa; hiện vật kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; sách chữ Thái cổ, chữ Dao cổ; kho di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; hồ sơ tù chính trị...  Để nơi đây trở thành điểm đến thu hút du khách, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện đổi mới hoạt động trưng bày triển lãm chuyên đề, chú trọng công tác thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật; thay đổi cách nghiên cứu tư liệu, khai thác thông tin. Đặc biệt, nội dung trưng bày triển lãm được thể hiện theo hướng trình bày vấn đề có trọng tâm, có điểm nhấn. Dựa trên tiến trình lịch sử, mỗi giai đoạn lịch sử, lựa chọn một sự kiện tiêu biểu, một nhân vật lịch sử tiêu biểu làm đại diện để giới thiệu nội dung trưng bày, thể hiện tư tưởng chủ đạo triển lãm. Từng bước tiến hành số hóa tư liệu, hiện vật phục vụ công tác bảo quản và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hoạt động bảo tàng.

Hoạt động giáo dục trải nghiệm em yêu lịch sử.

Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã phát sóng 6 chuyên mục Di sản văn hóa; sưu tầm 165 tư liệu, hiện vật; kiểm kê 500 hiện vật; tư liệu hóa, số hóa 5.000 tư liệu, hiện vật. Hoàn thành công tác điều tra khảo sát giá trị và đánh giá thực trạng của các di tích tại huyện Yên Châu và Vân Hồ, báo cáo đánh giá thực trạng và trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung danh mục; đang hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích khảo cổ Mái đá Bản Mòn trình Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch xếp hạng Quốc gia. Tổ chức 7 cuộc triển lãm, như: triển lãm ảnh: “Tinh thần Tô Hiệu” kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 78 năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu; “Thể thao Sơn La - Một chặng đường phát triển” kỷ niệm 60 năm Thể dục thể thao tỉnh Sơn La; “Sắt son tình nghĩa Việt - Lào” kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Phối hợp với Bảo tàng Hà Nội trưng bày triển lãm chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới và di sản tư liệu của ngưới Thái, người Dao Sơn La... Thực hiện kế hoạch xây dựng hồ sơ khoa học Quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp tại tỉnh Sơn La năm 2022…

Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị trường học trong tỉnh trực tiếp tuyên truyền, giới thiệu về lịch sử dân tộc, giúp các em học sinh có thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội của địa phương, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước đối với các em học sinh, như: Chuyên đề “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La”; “Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”; “Thời kỳ tiền sử - sơ sử Sơn La”... Đồng thời, tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, ngoại khóa, truyền dạy văn hoá, lịch sử. Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện 90 cuộc giáo dục truyền thống, thu hút trên 10.000 giáo viên, học sinh, chiến sỹ tham gia; đón tiếp, phục vụ hơn 230 nghìn lượt khách đến tìm hiểu, tham quan và trải nghiệm. Đặc biệt, năm 2022, công tác truyền thông được đẩy mạnh và đổi mới nên các hoạt động giáo dục trải nghiệm tạo hiệu ứng rộng rãi trong công chúng, mỗi hoạt động thu hút 2.000-3.000 lượt khách trực tiếp tham dự, 5.000-8.000 lượt theo dõi trên Fanpage và Websie.

Học sinh các trường tham gia trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông Sơn La.

Hào hứng, phấn khởi khi tham gia các hoạt động trải nghiệm “Văn hóa dân tộc Mông Sơn La” tại Bảo tảng tỉnh, em Nguyễn Ngọc Tùng, học sinh Trường THCS Chiềng Sinh, Thành phố, chia sẻ: Trước đây em chỉ biết văn hóa dân tộc Mông qua đài, báo, hôm nay được tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa đa dạng, gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông em thấy rất vui và bổ ích. Em còn được tìm hiểu và gặp gỡ những nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật khèn Mông, nghệ thuật tạo hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Mông, giúp chúng em thêm yêu và tự hào về văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Những dịp cuối tuần, các đoàn khách đến thăm Bảo tàng tỉnh cứ tăng dần lên qua thời gian, họ là học sinh, sinh viên, chiến sỹ đến để tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm. Đây là động lực để Bảo tàng tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực sự trở thành “điểm đến” hấp dẫn, nơi giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thêm yêu, tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới