Khai thác tiềm năng, lợi thế sớm đưa Vân Hồ thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, khó khăn

Thực hiện Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 10/6/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Châu để thành lập huyện Vân Hồ. Toàn huyện có diện tích tự nhiên 97.985 ha, gồm 14 xã, có 10 xã đặc biệt khó khăn và 4 xã vùng 2.

                Công nhân Công ty chè Nhật tại xã Vân Hồ (Vân Hồ) sử dụng máy móc thu hoạch chè búp tươi.

Dân số của huyện là 55.797 người, gồm 6 dân tộc Mông, Mường, Dao, Thái, Tày, Kinh. Về vị trí địa lý: Phía Đông tiếp giáp với huyện Mai Châu (Hoà Bình), phía Tây giáp huyện Mộc Châu, phía Nam giáp với huyện Mường Lát, huyện Quan Hoá (Thanh Hoá) và huyện Sốp Bâu (nước CHDCD Lào), phía Bắc giáp huyện Đà Bắc (Hoà Bình).

Huyện Vân Hồ có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ đặc biệt quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng núi Tây Bắc, có trục quốc lộ 6 là huyết mạch của vùng Tây Bắc nối liền vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ - Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc Việt Nam và các tỉnh Bắc Lào. Vân Hồ cách Hà Nội khoảng 170 km và cách Thành phố Sơn La 140km nên thuận lợi cho việc giao thương, phục vụ du khách Hà Nội và các vùng lân cận. Là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển, Vân Hồ có sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số được thể hiện qua văn hóa ẩm thực, trang phục, nghệ thuật, phong tục, tập quán… Có tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: bò sữa, chè, rau, hoa chất lượng cao, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới,... Đặc biệt, huyện nằm trong khu du lịch quốc gia Mộc Châu, có nhiều danh lam thắng cảnh, khí hậu mát mẻ và bản sắc văn hóa đa dạng, là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng.

Tuyến đường liên xã Chiềng Khoa - Mường Men được đầu tư nâng cấp.

Trong những năm qua, dù điều kiện khó khăn về mọi mặt của một huyện mới thành lập, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực còn thiếu, cùng với xuất phát điểm thấp, song được sự quan tâm của tỉnh và sự đồng lòng quyết tâm, phát huy ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Vân Hồ đã vượt qua thách thức, giành được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên khắp các lĩnh vực, tạo tiền đề quan trọng để Vân Hồ sớm thoát nghèo bền vững, hướng tới trở thành huyện có nền kinh tế phát triển của tỉnh.    

Trên lĩnh vực kinh tế, huyện duy trì tốc độ phát triển khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực, đúng định hướng theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống mới, mô hình mới vào phát triển nông nghiệp như : cải tạo giống quýt tại xã Chiềng Yên, khôi phục giống đào địa phương tại xã Lóng Luông, Mô hình nuôi cá Hồi, cá Dầm Xanh tại xã Xuân Nha, Chiềng Yên. Triển khai công tác khảo sát, lập quy hoạch để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án trồng rừng, rau, hoa, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, hiện đã có các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trồng, chế biến tre nguyên liệu, trồng rau tập trung, trồng, chế biến dược liệu, gắn với phát triển du lịch. Phát triển 1.000 ha chè tập trung gắn với chế biến; chăm sóc, duy trì ổn định vùng cây cao su; đầu tư cải tạo diện tích cây ăn quả phát triển với quy mô hợp lý. Chăn nuôi tăng cả về quy mô và chất lượng, nhất là đàn gia súc ăn cỏ, duy trì phát triển đàn bò sữa 1.400 con. Công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng được chú trọng, trồng mới, khoanh nuôi tái sinh, nâng độ che phủ rừng.

Công nghiệp chế biến được quan tâm đầu tư phát triển theo hướng tập trung, đặc biệt là chế biến chè, đã các công ty, doanh nghiệp thu mua, bao tiêu, chế biến sản phẩm chè với tổng sản lượng chè khô sơ chế. Quản lý hiệu quả khai thác khoáng sản 2 dự án khai thác than tại xã Suối Bàng và 1 dự án khai thác bột Talc tại xã Liên Hòa; quan tâm phát triển các cơ sở công nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Triển khai thực hiện tốt chương trình phát triển công nghiệp điện với 2 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, 1 nhà máy đang thi công, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 20 triệu KWh/năm. Duy trì và phát triển ổn định tiểu thủ công nghiệp.

Bà con bản Liên Hưng, xã Tô Múa, huyện Vân Hồ thu hái chè.

Thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển nhanh về quy mô, ngành nghề và thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, triển khai xây dựng các bản du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại xã Chiềng Yên, du lịch nông nghiệp tại xã Vân Hồ; triển khai các bước khảo sát, hoàn thiện thủ tục đề nghị xếp hạng, quy hoạch và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Đền Hang Miếng, xã Quang Minh; tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia Hang mộ Tạng Mè tại xã Suối Bàng; triển khai lập Quy hoạch khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ; Lễ hội Hoa Ban tại xã Chiềng Khoa, nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực; đến nay 13/14 xã có đường nhựa đến trung tâm xã, 14/14 xã có điện lưới quốc gia, 13/14 xã đã có nhà văn hoá. Triển khai làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 40, Nghị quyết 63, Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh làm được 40 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, 08 xã đạt 6 tiêu chí, 04 xã đạt 5 tiêu chí, 02 xã đạt 3 tiêu chí.

Thu ngân sách các năm đều vượt chỉ tiêu đề ra; các ngành, lĩnh vực và các thành phần kinh tế có bước phát triển đồng bộ, ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư. Huy động có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án trọng điểm xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị của huyện. kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hoá, y tế có nhiều đổi mới tích cực, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; qui mô, mạng lưới trường lớp phát triển hợp lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, 9/9 trường có học sinh bán trú đã tổ chức nấu ăn cho học sinh. Công tác y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, hoạt động khám chữa bệnh ngày càng đi vào nề nếp, các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách. Chương trình xoá đói, giảm nghèo được triển khai tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng với các hình thức đa dạng, phong phú. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc được chí trọng, đặc biệt là tệ nạn ma tuý. Nhiệm vụ QP-AN, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng và tăng cường.

Thác Tạt Nàng ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ.

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm chú trọng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạt nhiều kết quả tích cực; bộ máy chính quyền cơ sở tiếp tục được kiện toàn, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý điều hành từng bước được nâng lên; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tích cực đổi mới nội dung, phương thức, chất lượng hoạt động; khối đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc.

Tiếp tục phát huy mọi tiềm năng và lợi thế, chủ động, sáng tạo, sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, BCH Đảng bộ đã đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2015- 2020 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị hiệu lực, hiệu quả; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm hành chính, chính trị huyện; phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện nhanh, bền vững, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý theo đúng định hướng phát triển “nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp”; giảm nghèo bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Phấn đấu sớm đưa huyện Vân Hồ thoát khỏi huyện nghèo, khó khăn của tỉnh, tạo lập được thế và lực để phát triển nhanh, bền vững, vươn lên trở thành huyện có mức độ phát triển kinh tế - xã hội đạt mức khá của tỉnh vào năm 2030.

Điểm du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đặt ra là: Về phát triển kinh tế: Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển nâng cao năng xuất, hiệu quả sức cạnh tranh của kinh tế đảm bảo phát triển nhanh và bền vững; từng bước hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý theo định hướng phát triển “nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp”; giảm nghèo bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiềm năng lợi thế và thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; phấn đấu giá trị thu nhập đạt 28 triệu đồng/01 ha đất canh tác; đảm bảo an ninh lượng thực và thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát huy lợi thế phát triển mạnh ngành thương mại - dịch vụ; khai thác tốt tiềm năng để phát triển du lịch theo quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Vân Hồ; xây dựng trung tâm hành chính, chính trị huyện trở thành đô thị du lịch; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với phát triển thị trường. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, tranh thủ và  huy động tối đa các nguồn lực cho mục tiêu  phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành cơ bản cac công trình xây dựng kết cấu hạ tầng khu trung tâm hành chính, chính trị huyện. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tài chính - tín dụng tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; các xã mỗi năm đạt từ 1 đến 2 tiêu chí trở lên, phấn đấu đến năm 2020, có 60 - 70% xã trở lên đạt các tiêu chí cơ bản về nông thôn mới; tiếp tục quan tâm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân các khu, điểm tái định cư; các xã, bản đặc biệt khó khăn

Lĩnh vực văn hóa, xã hội: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia; bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; xóa đói, giảm nghèo bền vững; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, trọng tâm là phòng, chống, kiểm soát ma tuý. Tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trung tâm xã Tô Múa, huyện Vân Hồ ngày càng khang trang đổi mới.

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường các hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định và phát triển toàn diện.

Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; chú trọng công tác xây dựng củng cố tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng, xây dựng chi bộ bền vững. Củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phát huy kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Vân Hồ tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, ý chí tự lực, tự cường và sức sáng tạo của nhân dân; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy lợi thế, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020, đưa huyện Vân Hồ thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, khó khăn.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới