Phòng chống dịch bệnh và chủ động tái đàn vật nuôi sau mưa lũ

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra những đợt mưa, lũ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương ở tỉnh ta, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với hoạt động chăn nuôi của các hộ nông dân, nguy cơ dịch bệnh phát sinh trên gia súc, gia cầm sau mưa lũ đang rất cao, đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời, đồng bộ tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khôi phục đàn vật nuôi cho người nông dân.

Giọng nữ
Nông dân xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Nước lũ lên nhanh và rút chậm, khiến hàng nghìn con gia súc, gia cầm của nhân dân bị chết, trôi hoặc nhiễm bệnh. Công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi sau mưa lũ được các ngành, địa phương tập trung triển khai. Các địa phương đã thành lập các đoàn công tác đến các xã, phường, thị trấn để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường sau mưa lũ.

Tuy nhiên, các hộ nông dân chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý, trong tháng 8, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra tại 4 huyện trên địa bàn tỉnh, gồm Mường La, Vân Hồ, Mai Sơn và Mộc Châu. Số lợn mắc bệnh chết và tiêu hủy là 314 con, tổng trọng lượng 10.183 kg. Bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra tại 3 huyện Vân Hồ, Yên Châu,  Bắc Yên; số trâu, bò bị mắc bệnh là 29 con, trong đó có 8 con bị chết và tiêu hủy...

Theo cơ quan chức năng, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thêm vào đó, mưa kéo dài nên mầm bệnh dễ lây lan, phát tán rộng. Các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn, loa truyền thanh, truyền hình, tờ rơi... để người chăn nuôi nắm bắt và chủ động bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi sau mùa mưa lũ.

Chủ động phương án hỗ trợ con giống, hóa chất xử lý môi trường, tiêu hủy động vật chết, thuốc và vắc-xin phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời, rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo quy định, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có xảy ra ngập úng kéo dài. Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu bò.

Các hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.

Chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi; đồng thời, bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi. Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm dễ gặp sau mưa lũ. Thực hiện thống kê số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ về cơ chế, chính sách đối với người chăn nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

Công tác phòng chống dịch bệnh, tái đàn vật nuôi đang được ngành chức năng, người dân tích cực triển khai, nhưng trước diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh, các địa phương, hộ chăn nuôi không được phép chủ quan, lơ là, đặc biệt trong công tác giám sát dịch bệnh, sớm tái đàn, phục hồi kinh tế và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới