Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực, ngày càng khẳng định vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, kết quả các nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực, góp phần không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới.

Với định hướng nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại các vùng trọng điểm của tỉnh, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2022, trên địa bàn tỉnh Sơn La triển khai 99 nhiệm vụ KH&CN, trong đó các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới là 57 nhiệm vụ. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới… góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: Việc đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN trong nông nghiệp nông thôn còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu; tiềm lực KH&CN cho phát triển nông nghiệp nông thôn còn hạn chế; các công nghệ sản xuất, chế biến nông sản của tỉnh còn ở mức độ trung bình, chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sản phẩm chất lượng cao. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn hạn chế. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sản xuất để đảm bảo ATVSTP, an toàn dịch bệnh còn ít, chưa ngang tầm với tiềm năng thực tế của tỉnh.

Để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục định hướng nghiên cứu ứng dụng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên nghiên cứu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm tạo ra các giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng được với biến đổi khí hậu.

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, gắn với xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm. Nghiên cứu chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.

Nâng cao tiềm lực KH&CN cho phát triển nông nghiệp nông thôn; tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích khởi nghiệp và nâng cao năng lực đổi mới và sáng tạo, phát triển mạng lưới doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thành cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất.

Đổi mới đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN nông nghiệp nông thôn. Có chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ. Nâng cao năng lực của các trung tâm nghiên cứu trên địa bàn tỉnh, tăng cường liên kết với các trường, viện nghiên cứu của Trung ương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trên địa bàn tỉnh để có thể đáp ứng được yêu cầu áp dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới