Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Câu hỏi tình huống 1: Vợ chồng tôi đã ly hôn, trong thoả thuận ly hôn, tôi nhận chu cấp cho con 2 triệu đồng/tháng. Thời gian gần đây, do công việc không ổn định nên tôi không chu cấp cho con thường xuyên. Trong khi tôi còn phải chu cấp cho bố mẹ, nên bên vợ có gửi đơn lên cơ quan thi hành án. Xin tư vấn trường hợp của tôi về việc thay đổi nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn.

 

Trả lời:  Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về mức cấp dưỡng, có quy định:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, khi có lý do chính đáng (thu nhập của bạn giảm xuống, phải chu cấp thêm cho bố, mẹ) về việc khả năng kinh tế không thể đáp ứng được mức cấp dưỡng cho con như ban đầu thì bạn có thể thỏa thuận với nguyên đơn về việc thay đổi mức cấp dưỡng sao cho phù hợp với thu nhập của bạn và vẫn đảm bảo mức cấp dưỡng hợp lý cho con bạn.

Trong trường hợp 2 bên không thể thỏa thuận được về việc thay đổi mức cấp dưỡng thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết. Bạn có thể gửi đơn trực tiếp đến Tòa án nơi đã giải quyết việc ly hôn của bạn trước đó.

Câu hỏi tình huống 2: Vợ chồng tôi ly hôn được 1 năm, tòa xử tôi phải cấp dưỡng cho con là 800 nghìn đồng/tháng. Trước đó, tôi có nói trước tòa một là cô ấy nuôi, hai là tôi nuôi mà không cần cô ấy cấp dưỡng. Nếu cô ấy nuôi con tôi cũng sẽ không cấp dưỡng. Tòa xử cô ấy nuôi dưỡng và yêu cầu tôi cấp dưỡng hằng tháng nhưng vì điều kiện tôi không có khả năng cấp dưỡng. Vậy cho hỏi điều đó có vi phạm gì không?

Trả lời: 

Theo Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Điều 107 Luật hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”

Theo đó, nếu bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, có nghĩa là bạn đã vi phạm quy định của pháp luật về cấp dưỡng. Nếu bạn không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình thì khi có yêu cầu giải quyết của người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì Tòa án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế yêu cầu bạn thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Tuy nhiên, nếu thực sự bạn không có đủ điều kiện cấp dưỡng, thì bạn có thể thỏa thuận với vợ về việc thay đổi mức cấp dưỡng (theo Khoản 2 Điều 116) hoặc tạm ngừng việc cấp dưỡng (theo Điều 117) Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nếu thỏa thuận không được thì yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.

Duy Tuyên (Trung tâm TTGPL)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới