Sản xuất sạch hơn - nâng cao chất lượng chè Trọng Nguyên

Thực hiện Đề án hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái (Thuận Châu) tìm và đề xuất giải pháp tiết kiệm năng lượng, hạn chế chất thải, khí thải trong chế biến chè, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè Trọng Nguyên.

Vùng chè chất lượng cao Phổng Lái (Thuận Châu).

HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận chuyên hoạt động lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp trồng, chăm sóc và chế biến chè. Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ xưởng chế biến, ngoài 5 ha chè hiện có, HTX đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã trên địa bàn. 

Dây chuyền chế biến chè của HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè, năm 2018, HTX được UBND huyện Thuận Châu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Phổng Lái - Thuận Châu”. Đến cuối năm 2019, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu". Cũng trong năm 2019, sản phẩm chè của HTX đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, Chè Trọng Nguyên được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

 

Họp nghiệm thu Đề án hỗ trợ đánh giá SXSH và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả năm 2021

Ông Trần Thái Hà, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam - đơn vị tư vấn dự án, thông tin: Thu thập thông tin từ HTX và khảo sát thực tế tại xưởng sản xuất trong vòng 3 tháng, chúng tôi đã xác định những hạn chế trong sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng cũng như quản lý về chất thải của dây chuyền chế biến. Từ đó, tư vấn để giảm tiêu hao điện, HTX nên đầu tư lắp đặt trạm MBA riêng và bố trí tụ bù cho các tủ tổng xưởng và phụ tải lớn nhằm giảm tổn thất điện trên hệ thống.

 

Đề án hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, hạn chế chất thải, khí thải trong chế biến chè.

Đối với hệ thống khí thải, HTX áp dụng các biện pháp giảm thiểu bụi, như: Vệ sinh sạch sẽ và thu hồi ngay nguyên liệu rơi vãi trong các đường chuyền vận chuyển sản xuất chè; che phủ khu nguyên liệu khô; tưới nước các khu vực sinh nhiều bụi. Đồng thời, thay thế một số thiết bị mới, như: Lắp đặt tấm chắn những khu vực giữa các băng tải để tránh rơi vãi chè; lắp đặt hệ thống lọc bụi ướt để giảm thiểu phát tán khí độc ra môi trường bằng cách thông gió tự nhiên phù hợp với TCVN 3288: 1979; chất lượng không khí phù hợp QCVN 19:2009/BTNMT; khu vực cắt, phân loại, hoàn thành sản phẩm phải được trang bị hệ thống hút bụi. Nồng độ bụi trong không khí ở khu vực này phải dưới 30mg/m³. Còn hệ thống hút bụi, để tránh phát tán ra ngoài, HTX sẽ thu hồi tái chế để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Khu vực đóng gói chè thành phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Làm việc tại xưởng chế biến chè của HTX, ông Lò Văn Tuấn, bản Trộ Phặng, xã Chiềng Pha, chia sẻ: Được cán bộ tư vấn, chúng tôi đã biết cách cho nhiên liệu đốt đúng với thời gian và nhiệt độ cài đặt của lò. Để tránh thất thoát nhiệt, phải đóng kín cửa lò, sử dụng cùi ngô đốt lò khô, không ẩm ướt và phải xây thêm một lớp gạch cho lò xao chè, cải tiến thêm lớp bọc các thiết bị sấy, sửa lại cửa lò và vách lò khi sấy.

 

Lao động làm việc trong xưởng chế biến tuân thủ và chấp hành nghiêm các khâu đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Lừ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh, cho biết: Đề án hỗ trợ đánh giá SXSH được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2018. Từ đó đến nay, mỗi năm Trung tâm thực hiện hỗ trợ từ 1 đến 2 đơn vị, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/đơn vị từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Qua khảo sát đo lường, phân tích số liệu, dữ liệu đơn vị tư vấn đã đề xuất giải pháp giúp HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận tiết kiệm được 2% năng lượng tiêu thụ hằng năm. 

 

Chè búp tươi thu hái và chế biến ngay trong ngày đảm bảo màu sắc và giữ nguyên hương vị.

Theo đơn vị tư vấn, với chi phí đầu tư cho việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001; hệ thống hút bụi; hệ thống cung cấp điện; hệ thống nguyên, nhiên vật liệu; hệ thống lò. HTX chỉ phải bỏ ra khoảng 95.000.000 đồng, nhưng sẽ giúp tiết kiện được 32,5 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, kéo dài tuổi thọ cho dây chuyền chế biến.

 

Cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm chè Trọng Nguyên

“Bên cạnh lợi ích về kinh tế, thực hiện Đề án đã giúp HTX hoàn thiện quy trình chế biến, giảm lượng chất thải, khí thải ra môi trường. Đây là một trong những lý do thuyết phục tôi tham gia Đề án”. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, chia sẻ. 

 

Sản phẩm chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu có cả dạng đóng gói trong hộp làm bằng tre.

Xưởng chế biến chè có quy mô 2.500 m², dây chuyền chế biến chè công suất 30 tấn búp chè tươi/ngày đêm, hơn 400 tấn chè thành phẩm/năm, tổng doanh thu trên 10 tỷ đồng. Tính ra, khi áp dụng các giải pháp SXSH sẽ giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu khói, bụi, tạo môi trường làm việc thân thiện môi trường.

 

 

Chè Trọng Nguyên dạng đóng gói đảm bảo mẫu mã, chất lượng.

 

Sản phẩm chè Trọng Nguyên đóng gói trong hộp làm bằng tre.

Đề án hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm đã giúp HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận xác định những hạn chế trong việc sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng cũng như việc quản lý chất thải là thiết thực, cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đây cũng là tiền đề quan trọng, là động lực để các doanh nghiệp, HTX đủ điều kiện đăng ký tham gia thực hiện Đề án trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thương mại cho sản phẩm nông sản địa phương.

Minh Thu - Quàng Hưởng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới