Cây na ở Mai Sơn

Sản phẩm na Mai Sơn đã tạo được uy tín trên thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh, giúp nhiều hộ giàu lên từ cây trồng này và sẽ là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện. Hiện, toàn huyện có hơn 140 ha trồng na, trong đó 129 ha đã cho thu hoạch, 30,5 ha được trồng theo quy trình VietGAP, sản lượng đạt 1.416 tấn quả/vụ.

 

Nông dân tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) thu hoạch na.

Không phải là cây trồng bản địa, từ những năm 80 của thế kỷ XX, cây na theo bà con miền xuôi lên vùng đất Mai Sơn “lập nghiệp”. Khi đó, ở các xã: Cò Nòi, Hát Lót, Thị trấn mỗi gia đình chỉ trồng vài cây để phục vụ sinh hoạt, sử dụng không hết, bà con mang ra chợ bán. Do trồng theo phương pháp truyền thống nên quả nhỏ, mẫu mã không đẹp, nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng vì na ngọt và thơm ngon. Trải qua năm tháng, nhu cầu về sản phẩm na ngày càng tăng, khách hàng trong tỉnh và ngoài tỉnh dần biết đến, do “cung nhỏ hơn cầu” nên diện tích trồng na được mở rộng. Đây cũng là động lực để người trồng na đổi mới phương thức sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Không đứng ngoài cuộc, từ năm 2005, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã thực hiện rà soát, quy hoạch vùng trồng na, thông tin rộng rãi để người dân chủ động phát triển thành những vùng sản xuất tập trung, chủ yếu ở các xã: Hát Lót, Cò Nòi, Thị trấn. Hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các HTX, doanh nghiệp, công ty tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng, chăm sóc na, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, sản xuất na theo quy trình VietGAP... Đặc biệt, năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện, Công ty TNHH Nghiên cứu và Tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư (CONSETTI) tổ chức hội thảo “Đánh giá chất lượng cảm quan sản phẩm na, góp ý mẫu nhãn hiệu (logo) và bản đồ khu vực địa lý nhãn hiệu chứng nhận na Mai Sơn” và hội thảo “Thống nhất bộ tiêu chí sản phẩm, bộ hồ sơ cấp quyền nhãn hiệu chứng nhận và quy chế, quy định kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận na Mai Sơn”. Đồng thời, gửi mẫu quả na đến Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) phân tích các chỉ tiêu lý, hóa sản phẩm na Mai Sơn.

Trồng na đạt hiệu quả kinh tế cao, vì vậy trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều gia đình trồng na, nhất là việc trồng na theo quy trình VietGAP, bởi sản phẩm na VietGAP năng suất cao hơn phương pháp truyền thống từ 3 - 4 tấn quả/ha, đảm bảo về chất lượng, giá thành cao hơn, đầu ra thuận lợi. Ngoài trồng giống na truyền thống, từ năm 2015, nhiều hộ dân còn trồng giống na Thái. Loại cây na này có ưu điểm: Sinh trưởng nhanh, phù hợp với nhiều loại đất và khí hậu, kháng bệnh tốt, trọng lượng quả đạt từ 0,5 - 0,8 kg/quả, chất lượng tương tự na truyền thống, quả ít bị nứt khi chín, nhu cầu của thị trường cao, giá bán cao gấp 3 lần na truyền thống... Hiện, diện tích na Thái ở Mai Sơn khoảng 15 ha, trong đó 10 ha đã cho thu hoạch, sản lượng gần 35 tấn quả/vụ.

Đến thăm vườn na của gia đình ông Trương Văn Đôn, tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót đúng lúc ông vừa xuất bán hơn 3 tạ na cho khách. Ông Đôn cho biết: Gia đình tôi trồng 4 ha na theo quy trình VietGap, mỗi vụ thu khoảng 25-30 tấn quả, giá bán tại vườn từ 25-28 nghìn đồng/kg, thu khoảng 700-800 triệu đồng, na chín đến đâu thương lái từ các tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Điện Biên, Hà Nội... đến tận vườn thu mua, nên không lo đầu ra cho sản phẩm. So với trồng ngô, lạc và các loại cây ăn quả khác thì trồng na cho thu lợi nhiều hơn.

Còn gia đình anh Bùi Văn Lộc, Tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi cho biết: Gia đình tôi trồng 4 ha na Thái đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, có tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vụ na năm 2017, gia đình thu 3 tấn quả, trị giá trên 300 triệu đồng. Vụ na năm nay, ước tính sản lượng 10 tấn quả, với giá bán từ 100-120 nghìn đồng/kg, thu khoảng 1 tỷ đồng. Sản phẩm na Thái được Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Sơn La hợp đồng bao tiêu toàn bộ.

Thực tế cho thấy, việc trồng na cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng đi đã và đang được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mai Sơn lựa chọn. Tin rằng, cây na sẽ trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp người dân làm giàu.

Na Mai Sơn có kích cỡ quả vừa phải, tròn đều, mắt vỏ lồi đều; trọng lượng trung bình từ 0,3-0,4 kg/quả, ít hạt, thịt quả có màu trắng ngà, dai, vị ngọt đậm, mùi thơm dịu. Vụ na ở Mai Sơn bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm.
Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới