Sàn thương mại điện tử - nâng cao sức cạnh tranh của nông sản địa phương

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu hướng tiếp cận thị trường hiệu quả, là kênh bán hàng quan trọng đối với doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và kinh doanh. Tại thị trường Sơn La, TMĐT đang làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh và các sản phẩm nông sản địa phương.

Nhân viên Sendo tư vấn đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh.

 

Nhận thấy tiện ích vượt trội mà TMĐT mang lại so với phương pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống, tỉnh ta đã quan tâm và hỗ trợ phát triển TMĐT với nhiều hình thức, chương trình đa dạng, như: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT cho cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, HTX, các hộ kinh doanh, góp phần giảm thời gian, chi phí giao dịch, quảng bá giới thiệu, phát triển quan hệ hợp tác, tìm kiếm đối tác tiêu thụ và xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng ứng dụng TMĐT, gồm: Xây dựng các website TMĐT; xây dựng phần mềm quản lý khách hàng hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến; tổ chức các hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm  nông sản có sản lượng lớn, như: Nhãn, xoài, mận...

Là một trong những đơn vị đầu tiên đăng ký tham gia sàn TMĐT Sendo, bà Đinh Thị Yến, Giám đốc HTX Thái Tuấn (Quỳnh Nhai), chia sẻ: Để nhiều người biết đến và sử dụng sản phẩm cá tép dầu khô sông Đà - sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, thời gian qua, bằng nhiều cách làm, HTX đã đưa sản phẩm vào bán và trưng bày tại gian hàng OCOP của huyện, quầy hàng giới thiệu nông sản an toàn xuất khẩu, quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La tại Nhà khách Sơn La (số 378, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đồng thời, sử dụng các trang mạng zalo, facebook để quảng bá, nhưng vẫn ít người biết đến sản phẩm. Bà Yến mong muốn, khi tham gia sàn TMĐT Sendo thì sản phẩm sẽ được khách hàng ở 63 tỉnh, thành phố biết đến, qua đó tìm được các nhà phân phối lớn, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nên đã quyết định đăng ký tham gia. Để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trên sàn TMĐT, HTX đã hoàn thiện nhà xưởng sản xuất và đang lên kế hoạch mua thêm 1 máy sấy năng lượng mặt trời thay cho phương pháp chế biến truyền thống, trung bình mỗi ngày sẽ sấy được 70 kg đến 100 kg cá tép dầu khô sông Đà, sản lượng tăng gấp 10 lần so với hiện nay. 

Ưu thế của sàn TMĐT là mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng, song theo nhận định của các chuyên gia, nhiều loại nông sản chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Sơn La vẫn vắng bóng trên các sàn TMĐT lớn như: Sendo, Voso... Nguyên nhân được chỉ ra là việc ứng dụng TMĐT trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà hầu hết doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh áp dụng mới dừng ở việc xây dựng Website TMĐT. Các Website TMĐT thiết kế có hình thức, nội dung sơ sài và đơn điệu. Điểm nữa là doanh nghiệp, HTX của tỉnh phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, nên tiềm lực kinh tế yếu, chủ yếu là các HTX sản xuất nông sản có thời vụ thu hoạch sản phẩm rất ngắn nên việc ứng dụng TMĐT để quảng bá, giới thiệu hạn chế.

Để tháo gỡ khó khăn và giúp doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh có cái nhìn tổng thể về tiện ích của sàn TMĐT trong việc giới thiệu, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đề ra đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 30% thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT... Hiện thực hóa mục tiêu, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các sàn TMĐT Sendo, Voso tổ chức tập huấn ứng dụng TMĐT và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm của tỉnh Sơn La qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn TMĐT cho trên 200 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong toàn tỉnh.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm “Mật ong Quyết Thắng” và “Mật ong Sơn La”.

 

Ông Đào Văn Diễn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại và Hợp tác quốc tế (Sở Công Thương), thông tin: Dự kiến trong tháng 4/2021, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số và sàn TMĐT Sendo tổ chức Chương trình Event. Đây là chương trình sự kiện Sendo sẽ hỗ trợ trực tiếp cho HTX hoa quả sấy khô, mứt dẻo Mộc Châu, HTX miến dong Kiên Sơn (Mộc Châu); HTX mật ong hoa nhãn (Sông Mã) về vận hành shop trên Sendo và sẽ có cộng tác viên hỗ trợ việc đóng gói hàng hóa, xử lý đơn hàng. Trong thời gian diễn ra sự kiện, Sendo sẽ miễn phí vận chuyển nếu mua hàng qua APP (ứng dụng mua hàng) của Sendo. Đây là sàn TMĐT đứng  top 5 sàn TMĐT yêu thích nhất năm 2020, có hơn 500.000 đối tác bán hàng, phục vụ 12 triệu người tiêu dùng ở 63 tỉnh, thành phố.

Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ. Đây sẽ là một siêu thị hàng Việt trên môi trường trực tuyến giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu, phục hồi và tiếp cận lại thị trường sau đại dịch COVID-19. Nếu không muốn thụt lùi, để vươn mình ra biển lớn thì việc tham gia sàn TMĐT cũng là một lựa chọn cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới