Hưng Yên phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương đảng (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Nghị quyết 23-NQ/TW) trên địa bàn tỉnh, khối đại đoàn kết dân tộc, trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức tiếp tục được củng cố và tăng cường, đồng thuận xã hội được phát huy; Nhân dân chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và phát triển tỉnh Hưng Yên đạt tỉnh nông thôn mới năm 2020; Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh không ngừng được củng cố, ngày càng vững mạnh.

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên

Cụ thể hoá Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngoài việc chỉ đạo công tác nghiên cứu, quán triệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) ban hành Chương trình hành động số 51-CTr/TU ngày 12/5/2003 thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Kế hoạch số 129-KH/TU ngày 28/6/2010 về thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX). Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX).

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển nhanh, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong tham gia phát triển kinh tế. Công khai minh bạch các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới; các chương trình, dự án trong các lĩnh vực, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận bình đẳng.

Hưng Yên đã triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh (100% giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn); Chương trình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân được triển khai nghiêm túc (100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, có bác sỹ; tỷ lệ bao phủ BHYT là 88,5%). Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, tổ chức sự kiện quan trọng được đảm bảo an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường đoàn kết trong Nhân dân. Khoa học và công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện tốt các quy định, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về chế độ ưu đãi, chăm sóc người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo. Nhiều chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh đã được ban hành để hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi, đối tượng yếu thế; tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng là đảng viên từ 30 năm tuổi Đảng trở lên, người thu gom rác thải tại các thôn, khu phố, người từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; các chức sắc, chức việc thuộc tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận; người khuyết tật nhẹ; dân quân thường trực Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng đẩy mạnh quán triệt và thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện của các tổ chức cơ sở đảng, việc xây dựng bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu hàng năm của cán bộ, đảng viên. Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để kịp thời giải quyết theo quy định của pháp luật. Các đơn vị, địa phương đã kịp thời việc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành nhằm đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân.

Lãnh đạo hai tỉnh Hưng Yên và Sơn La ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2025

Việc xây dựng những định hướng, chính sách, giải pháp đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân được quan tâm thông qua việc ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện nghị quyết của Trung ương. Đối với việc xây dựng, phát triển giai cấp công nhân, đã có nhiều chương trình góp phần giải quyết việc làm cho người lao động; công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện (Đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 76 tổ chức cơ sở đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân, 80 chi bộ trực thuộc với 1.630 đảng viên); công tác phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh được quan tâm hơn (Hiện có 767 tổ chức công đoàn với trên 113 nghìn công đoàn viên); công tác phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động trong và ngoài các khu công nghiệp bước đầu đạt kết quả. Việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân cũng được quan tâm thông qua nhiều chủ chương, chính sách cụ thể, thiết thực. Hưng Yên còn là tỉnh đi đầu trong thực hiện miễn giảm 100% thủy lợi phí nông nghiệp; tích cực thực hiện chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; dồn thửa, đổi ruộng.

Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế tư nhân phát triển. Tiếp tục bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, quyền sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật. Hàng năm tỉnh đều tổ chức các đoàn đi thăm, chúc tết Hội đồng hương Hưng Yên tại một số tỉnh, thành phố; tổ chức gặp mặt các đoàn đại biểu người Hưng Yên công tác tại tỉnh ngoài, nước ngoài về thăm quê hương. Các cơ quan nhà nước quan tâm thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số có chuyển biến tích cực; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ quan Đảng, nhà nước. Việc thực hiện cơ chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp với Nhân dân được thực hiện nghiêm túc; các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của Nhân dân và doanh nghiệp.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống yêu nước, trách nhiệm công dân; đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp; giáo dục ý thức chăm lo cho xây dựng khối đại đoàn kết trong Đảng và trong Nhân dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh, coi trọng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, hướng về cơ sở. Thông qua các phong trào, các cuộc vận động để thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Các phong trào thi đua đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển giáo dục, văn nghệ, thể thao, vận động người dân chung tay góp sức thực hiện chính sách an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trong khu dân cư.

Thành phố Hưng Yên hôm nay

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể tỉnh tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; quan tâm giải quyết tốt các vấn đề giai cấp, tôn giáo và dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng; phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh; nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của Nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh; phấn đấu trước năm 2030, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; năm 2045, Hưng Yên trở thành thành phố thông minh.

Lưu Ngọc Tú (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới