Giải pháp xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn

Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Bế giảng lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính Thành phố.

Nhà trường đã tham mưu cho Tỉnh ủy tuyển dụng giảng viên có trình độ cao, như: Sinh viên hoặc cán bộ đã có kinh nghiệm thực tiễn, có trình độ thạc sỹ, đáp ứng yêu cầu nâng dần tỷ lệ giảng viên trong đội ngũ cán bộ viên chức của nhà trường. Năm 2012, tỷ lệ giảng viên chiếm 63,4% trong tổng số 52 viên chức, đến nay, tỷ lệ giảng viên lên tới 71,4% trong tổng số 49 viên chức.

Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, học cao học, nghiên cứu sinh, đào tạo, hoàn thiện cao cấp lý luận chính trị, với các hình thức học tập trung hoặc vừa làm vừa học. So với năm 2012, tỷ lệ giảng viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên tăng từ 26,4% lên 80% năm 2022 (trong đó có 2 tiến sỹ); tỷ lệ giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị tăng từ 40% lên 65,7%. Ngoài ra, còn có 6 giảng viên đang học hoàn thiện cao cấp lý luận chính trị. Bên cạnh đó, hàng năm thường xuyên cử trên 20 lượt giảng viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 100% giảng viên qua các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực; 31,4% giảng viên từng đạt giảng viên dạy giỏi cấp Học viện; gần 43% giảng viên được bồi dưỡng về kinh điển Mác-Lênin; tỷ lệ giảng viên chính chiếm 37,14%...

Nâng cao chất lượng giảng dạy, gắn “lý luận với thực tiễn”, hàng năm, giảng viên đều đạt và vượt định mức thời gian nghiên cứu thực tế. Nhiều năm gần đây, trường đã phối hợp với các huyện, thành phố cử giảng viên đi thực tế dài hạn tại các địa phương, đơn vị. Hiện nay có 31,4% giảng viên trải qua thực tiễn công tác tại các sở, ban, ngành và các huyện từ 6 tháng trở lên. Kiến thức thực tiễn của giảng viên đã giúp cho bài giảng có tính thực tiễn phong phú và sức thuyết phục cao hơn, chất lượng giảng dạy tốt hơn. Năm 2022, tuổi đời bình quân của giảng viên là 38,8 tuổi, tuổi nghề giảng dạy bình quân là 14,5 năm. Tiêu chí này cho thấy đội ngũ giảng viên đã được trẻ hóa, trình độ cao hơn trước, tham gia giảng dạy sớm hơn.

Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư, mới đạt 3/10 tiêu chí. Trong đó, một số tiêu chí chưa đạt, như các tỉ lệ về: Giảng viên cơ hữu, trình độ thạc sỹ trở lên, trình độ cao cấp lý luận; tỷ lệ giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tỷ lệ giảng viên chính, giảng viên cao cấp...

Với mục tiêu tiến tới Trường Chính trị đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025 và mức độ 2 trước năm 2030, Trường Chính trị tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đổi mới cơ chế, chính sách đặc thù với giảng viên trường chính trị để chuẩn hóa đội ngũ, như: Điều kiện để được thi, xét thăng hạng giảng viên; tạo thuận lợi để giảng viên được tham gia học tập các khóa học cao cấp lý luận chính trị, học cao học, nghiên cứu sinh... Thực hiện rà soát, hoàn thiện đề án vị trí việc làm và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở tuyển dụng, luân chuyển cán bộ để tăng cường đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có đầy đủ các phẩm chất chính trị, có kinh nghiệm thực tiễn tham gia công tác và làm giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ giảng viên; chú trọng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, giảng viên gắn với đánh giá, xếp loại cán bộ; quan tâm đội ngũ giảng viên trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số... tạo nguồn kế cận, bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ giảng viên. Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên chặt chẽ và có kế hoạch, lộ trình chi tiết, cụ thể và tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ. Trong đó, giai đoạn 2023-2025 cử ít nhất 8 giảng viên đi học, hoặc học hoàn thiện cao cấp lý luận chính trị; cử ít nhất 18 giảng viên đi học lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chọn, cử ít nhất 8 giảng viên tham gia nghiên cứu sinh... 

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường, nâng cao trách nhiệm của giảng viên với hoạt động nghiên cứu khoa học; đảm bảo thực hiện từ 3 đề tài khoa học cấp tỉnh trở lên trong giai đoạn 2023-2025. Tiếp tục quan tâm đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế có thời hạn tại các sở, ban, ngành và huyện, thành phố và nghiên cứu thực tế theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và thường xuyên thực hiện đồng thời nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ.

Xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn chính nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trong giai đoạn mới chính là một trong những nhiệm vụ đòi hỏi Trường Chính trị nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả.

Cầm Văn An (Trường Chính trị tỉnh)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới