Tăng thu nhập từ trồng cây gai xanh

Nhận thấy cây gai xanh là cây có tiềm năng phát triển, một số HTX trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước trồng, xây dựng chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Cây gai xanh AP1 thời gian bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch là  từ 80-90 ngày,  mỗi năm thu hoạch từ 4-6 lứa, sau khi trừ chi phí thu nhập của người trồng đạt từ 60-80 triệu đồng/ha/năm. Chính vì thế, cây gai xanh đang được nhiều nông dân lựa chọn thay thế các loại cây trồng truyền thống như ngô, sắn và một số cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp. Dù là cây trồng mới, nhưng cây gai xanh AP1 đã cho thấy nhiều ưu điểm nổi bật như kỹ thuật trồng đơn giản, cây sinh trưởng và phát triển khỏe, ít sâu bệnh và đặc biệt là đầu ra được bao tiêu toàn bộ thông qua mối liên kết giữa Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước và các hợp tác xã. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích gai xanh, tạo nên vùng nguyên liệu ổn định và bền vững.

             

HTX nông nghiệp BTH hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây gai xanh.

             

Là đối tác phát triển diện tích cây gai xanh ở huyện Mộc Châu và Vân Hồ, HTX gai xanh AP1 Sơn La hiện có hơn 20 thành viên và ký hợp đồng với gần 300 hộ, trồng gần 150 ha cây gai xanh tại xã Tân Lập, Tân Hợp, Hua Păng, Chiềng Hắc, Chiềng Sơn, (Mộc Châu) và xã Vân Hồ, Lóng Luông, Mường Men, Tô Múa, Xuân Nha, Tân Xuân, Chiềng Xuân (Vân Hồ). Ông Phan Văn Hợi, Giám đốc HTX gai xanh AP1, cho biết: Tham gia HTX trồng gai xanh, bà con được tập huấn quy trình, kỹ thuật canh tác, được cung cấp giống, vật tư đầu vào với giá ưu đãi, quan trọng nhất là toàn bộ vỏ gai sau khi thu hoạch được ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với giá ổn định trong suốt 10 năm. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hợp tác thêm nhiều hộ dân để mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh.

             

Ông Hàng A Tủa, ở xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, chia sẻ: Trồng cây gai xanh chỉ vất vả năm đầu, những năm tiếp theo chỉ cần bón phân và làm cỏ; khi thu hoạch chỉ việc chặt sát gốc, cho vào máy tuốt lấy vỏ sau đó đem phơi và được doanh nghiệp vào tận nơi thu mua. Trung bình thu hơn 1 tấn sợi/năm, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn trước.

             

Còn tại huyện Phù Yên hiện có hơn 150 ha cây gai xanh, những diện tích trồng đầu tiên đã cho thu hoạch 3 vụ, năng suất trung bình đạt 300 - 400 kg vỏ cây khô/ha, thu nhập đạt khoảng 20 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so trồng các loại cây lương thực ngắn ngày khoảng 25-30%. Là đối tác phát triển diện tích cây gai xanh ở huyện Phù Yên và Bắc Yên, anh Nguyễn Công Bảo, Giám đốc HTX nông nghiệp BTH, cho biết: Bà con góp đất, bỏ công chăm sóc và cam kết bán sản phẩm cho HTX; kinh phí mua giống và phân bón được ứng trước 100% và chỉ trừ dần từ lứa thu hoạch thứ 2, trong vòng 2 năm. Hiện HTX đã phát triển vùng nguyên liệu hơn 40 ha với hơn 30 hộ dân tham gia.

             

Anh Đinh Công Lý ở bản Tường Han, xã Mường Do, huyện Phù Yên có trên 6.000 m² trồng gai xanh, cho biết: Mảnh nương của gia đình tôi trước đây chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày, giá trị kinh tế thấp. Năm 2021, gia đình tôi được HTX cung cấp cây giống và phân bón để trồng 6.000 m² gai xanh và được bao tiêu sản phẩm. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm qua 4 lứa thu hoạch đạt năng suất chỉ đạt gần 100 kg vỏ cây khô; nhưng đến năm nay, qua 3 lứa thu hoạch đã cho năng suất hơn 200 kg vỏ cây khô, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập hơn 60 triệu đồng. Tôi hy vọng cây trồng này sẽ là hướng đi giúp gia đình phát triển kinh tế.     

             

Bà Cầm Thị Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Việc hình thành các HTX sản xuất gai xanh sẽ hỗ trợ cho các thành viên HTX chủ động về kế hoạch sản xuất, cung ứng giống cũng như hỗ trợ nhân lực trong việc thu hoạch sản phẩm. Đồng thời, các HTX sẽ thu hút được các hộ nông dân góp vốn, đất, công lao động phát triển trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất ở các địa phương trong tỉnh đang khai thác tối đa diện tích canh tác, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, đây là hướng đi phù hợp, giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới