WHO thúc đẩy ứng phó mạnh mẽ và công bằng hơn trong đại dịch

Ngày 1/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gửi tới các nước thành viên cũng như các tổ chức phi chính phủ bản dự thảo thỏa thuận về đại dịch toàn cầu, trong đó đề cập những biện pháp nhằm bảo đảm rằng thế giới ứng phó mạnh mẽ và công bằng hơn nếu xảy ra đại dịch tiếp theo.

Thế giới vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)
Thế giới vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Theo bản dự thảo, chính phủ các nước có thể phải dự trữ thuốc và vaccine để WHO phân phối cho các nước nghèo, nhằm tránh lặp lại thất bại như trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Một trong những đề xuất cụ thể nhất trong dự thảo là việc dự trữ khoảng 20% các bộ xét nghiệm, vaccine hoặc phương pháp điều trị được phát triển để sử dụng ở những nước nghèo.

Dự thảo cũng giữ nguyên một số điều khoản trước đó, yêu cầu các công ty dược công bố chi tiết các hợp đồng công về vaccine và cách điều trị trong các tình huống khẩn cấp về y tế toàn cầu.

Dự thảo cũng kêu gọi thiết lập Mạng lưới chuỗi cung ứng và logistics đại dịch toàn cầu mới để bảo đảm phân bổ các biện pháp đối phó tốt hơn và công bằng hơn, cũng như 1 kế hoạch bồi thường toàn cầu cho những trường hợp bị tổn thương do vaccine.

Ngoài ra, dự thảo còn kiến nghị xây dựng Hệ thống tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích của WHO, trong đó kêu gọi các nước chia sẻ trình tự gene và mầm bệnh “trong vài giờ”.

Văn kiện còn đề xuất rằng các triệu chứng bệnh, cách chữa trị và vaccine được phát triển từ dữ liệu của WHO cần được chia sẻ công bằng, trong đó có điều khoản cho phép WHO có được 20% sản lượng bất kỳ, trong đó 10% là quyên tặng và 10% bán với giá phải chăng, để sử dụng ở những nước đang phát triển.

Giải pháp trên nhằm tránh việc các nước chia sẻ dữ liệu lúc bùng nổ dịch bệnh không được tiếp cận các biện pháp đối phó được phát triển từ việc sử dụng chính những dữ liệu này.

Thỏa thuận về đại dịch toàn cầu đã được các nước thành viên WHO cùng soạn thảo và sẽ phải trải qua tiến trình đàm phán kéo dài trước khi được thông qua lần cuối.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dự thảo này có thể tiếp tục gây tranh cãi kéo dài do kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian diễn ra các đại dịch với những người ủng hộ lập luận rằng biện pháp này sẽ cho phép tiếp cận rộng rãi và nhanh chóng hơn các loại thuốc cấp cứu và vaccine, trong khi ngành dược phản đối.

Các cuộc đàm phán về dự thảo thỏa thuận này sẽ bắt đầu từ ngày 27/2 và dự kiến kéo dài đến năm 2024. Các nước thành viên WHO nhất trí rằng thỏa thuận này sẽ mang tính ràng buộc về pháp lý đối với những nước tham gia ký kết.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới