Tăng cường các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS

Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, với nhiều giải pháp hiệu quả, từng bước khống chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, giảm tác động của dịch bệnh đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu tuyên truyền người dân phòng chống HIV.

Bác sỹ Nguyễn Minh Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn, chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện mới 12 người nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV còn sống lên 942 người. Trung tâm thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là những người trong nhóm nguy cơ cao (vợ/chồng của người nhiễm HIV, nghiện chích ma túy...); không kỳ thị với bệnh nhân HIV/AIDS. Đẩy mạnh tư vấn, xét nghiệm HIV đối với các đối tượng có nguy cơ cao và phụ nữ mang thai.

Trao đổi về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, bác sỹ Lù Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố, cho biết: Hiện 100% các xã, phường trên địa bàn được truyền thông về lợi ích của xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, lợi ích của việc điều trị bằng thuốc ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV. Đồng thời, kết nối với cơ sở điều trị sau khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính, thực hiện quản lý người nhiễm HIV nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Trên địa bàn Thành phố có 513 người HIV/AIDS còn sống; hiện đang điều trị ARV cho 568 trường hợp (bao gồm cả người nhiễm HIV của Thành phố và 1 số huyện trong tỉnh).

Trong 10 tháng qua, toàn tỉnh đã phát hiện mới 61 bệnh nhân HIV/AIDS, tổng số người bệnh còn sống là 5.000 trường hợp. Các bệnh nhân sinh sống ở 12 huyện, thành phố, trong đó có cả các xã vùng sâu, vùng xa mà người dân còn hạn chế hiểu biết về HIV/AIDS, nên tình trạng lây nhiễm HIV gia tăng trong cộng đồng. Trong khi đó, việc triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại còn nhiều khó khăn, do một số người có nguy cơ cao đi làm ăn xa; có trường hợp không công nhận tình trạng bệnh của bản thân, ngại bộc lộ danh tính, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Hơn nữa, công tác tuyên truyền về lợi ích của điều trị ARV sớm, điều trị PrEP (sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV), điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone hiệu quả chưa cao...

Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, như Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La; Kế hoạch số 235/KH-UBND, ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung lồng ghép, phối hợp các hoạt động phòng chống HIV/AIDS với các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giới thiệu việc làm, tạo sinh kế và các hỗ trợ khác cho người nhiễm HIV sống hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, với nhiều hình thức, như: Mít tinh; hội nghị, hội thảo; phát tờ rơi; xây dựng pa nô, áp phích: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông tại cuộc nói chuyện chuyên đề của các tổ chức đoàn thể xã, bản; thông qua nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng đi triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại...

Nội dung tuyên truyền tập trung vào công tác điều trị ARV, điều trị PrEP, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc mathadone, buprenorphine; xét nghiệm HIV; lợi ích sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV... Trong 10 tháng năm nay, đã có gần 80.000 lượt người nghiện chích ma túy, người bán dâm tiếp viên nhà hàng, người có quan hệ đồng giới nam, bệnh nhân HIV/AIDS... được truyền thông trực tiếp. Ngoài ra, còn tuyên truyền hàng nghìn tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phát trên 143.000 bao cao su miễn phí; hơn 270.000 bơm kim tiêm, thu về gần 140.000 bơm kim tiêm đã sử dụng.

Chia sẻ về công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, bác sỹ Đặng Thị Ánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV được triển khai đồng bộ. Trong đó, chương trình can thiệp giảm hại tại 12 huyện, thành phố và 160 xã, với 212 tuyên truyền viên đồng đẳng nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) và nhân viên y tế thôn bản. Duy trì 13 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc mathadone, buprenophine.

Hiện nay, các cơ sở đang điều trị mathadone cho 1.066 bệnh nhân; điều trị buprenophine cho 11 trường hợp và 194 bệnh nhân điều trị Prep; điều trị ARV cho 4.427 bệnh nhân tại 14 phòng khám ngoại trú và 12 cơ sở cấp phát thuốc ARV tuyến xã quản lý. Tăng cường tỷ lệ bệnh nhân được điều trị đồng nhiễm viêm gan C, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thẻ bảo hiểm y tế,...

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng mạng lưới cấp phát thuốc ARV, thuốc mathadone tại các xã, phường, thị trấn; quản lý, chăm sóc bệnh nhân HIV tại gia đình, cộng đồng... phấn đấu đạt mục tiêu đạt 95*95*95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân; 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV; 95% người đang điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2025 và hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới