Xử lý khói bụi tại các cơ sở chế biến nông sản tập trung

Chế biến nông sản giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị nông sản nhưng cũng đặt ra bài toán bảo vệ môi trường. Nhận thức được điều đó, các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý khói bụi, bảo đảm giữ sạch môi trường xung quanh khu vực nhà máy chế biến.

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó, 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, còn 2.500 cơ sở sấy long nhãn, lò sấy hoa quả.

Khu vực tập kết nguyên liệu của Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La.

Qua rà soát, có 7 cơ sở sơ chế nông sản quy mô tập trung, thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường, gồm: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mường Chanh, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, Công ty cổ phần Chế biến nông sản BHL Sơn La, Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên, huyện Mai Sơn; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu; Công ty cổ phần Cà phê Minh Tiến, thành phố Sơn La. Chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư, bổ sung các thiết bị, hạng mục công trình đảm bảo thu gom, xử lý nước thải theo quy định, các cơ sở chế biến nông sản đã chú trọng đầu tư xử lý khói bụi.

Một góc Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La.

Nhà máy chế biến đường của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có công suất 5.000 tấn mía/ngày. Việc sử dụng lò đốt bã mía sản xuất điện phục vụ nhà máy, dẫn đến phát sinh một lượng khí thải và chất thải rắn, gồm tro, bã mía tương đối lớn. Tro bụi trong khói lò đốt bằng bã mía có kích thước và khối lượng riêng bé hơn nên có độ phân tán cao và phạm vi phát tán rộng. Hạn chế tác động bụi tro của bã mía, Nhà máy đã lắp đặt các công trình xử lý khí thải, gồm: 2 mương dẫn khói, 2 tháp dập bụi, 2 tháp khử nước, 2 quạt hút, ống khói; 1 bể thu gom nước dập bụi; 1 hệ thống lọc tro chân không.

Năm 2022, Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã đầu tư lắp đặt hệ thống lọc tro chân không.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, giới thiệu: Khói từ lò hơi sau khi đi ngược lớp nước được phun sương trong bộ khử bụi, tro bụi được nước giữ lại. Nước có tro bụi sau khi được lọc qua bể lọc tro được bơm lại để khử bụi. Biện pháp này cho phép lọc được bụi khá mịn (1-100 um) với hiệu suất cao 85-95%. Khí thải sau khi xử lý sẽ được thải ra môi trường qua ống khói đường kính 1.65 m, cao 30 m.

Khu vực bể chứa sau khi lắng lọc được bơm trở lại hệ thống xử lý khí thải.

Kết quả quan trắc khí thải đợt 1, ngày 8/2/2022 và đợt 2 ngày 5/4/2022 của Công ty Cổ phần phát triển công nghệ mới Hà Nội cho thấy, tại vị trí quan trắc mẫu khí thải, các thông số phân tích nằm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ. Như vậy, tác động hoạt động sản xuất tại Nhà máy chế biến đường, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La không gây phát thải vượt quá cho phép. Bên cạnh đó, trên ống khói thải ra môi trường được gắn các thiết bị quan trắc các thông số của dòng khí thải ra môi trường kết nối trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường. Tro sau lọc dùng làm phân bón cho vùng nguyên liệu của Nhà máy. Phần nước sau khi lắng lọc, bơm trở lại hệ thống xử lý khí thải.

Còn tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên, khi dự án đi vào hoạt động, để giảm độ bụi trong khí thải ống khói, Nhà máy lắp đặt hệ thống cyclon khô, tách bụi theo nguyên lý hoạt động của buồng lắng đứng. Bên cạnh đó, khi lắp đặt mới dây chuyền sản xuất công suất 200 tấn thành phẩm/ngày, Nhà máy lắp đặt thêm 1 hệ thống cyclon.

Ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên, thông tin: Ưu điểm của buồng lắng và trở lực không khí qua buồng rất nhỏ nên hệ thống thải khói hầu như không phải đặt thêm thiết bị hút khói. Để tăng thêm hiệu quả lọc bụi, một số tấm chắn dòng trong buồng lắng được lắp đặt. Hiệu quả xử lý bụi của hệ thông đạt 85%; nhờ đó, lượng bụi trong khói thải giảm đáng kể từ 10.000 mg/m3 chỉ còn 1.500 mg/m3. Với ống khói cao 22 m, lượng bụi còn lại sẽ giảm dần khi bị phân tán bởi gió và độ cao; do đó, tác hại cũng giảm đáng kể.

Kết quả quan trắc khí thải định kỳ niên vụ 2021-2022 tại vị trí ống khói lò đốt của Nhà máy chế biến tinh bột sắn với 4 thông số điều nằm trong giới hạn cho phép so với QCVN 19:2009/BTNMT.

Bà Nguyễn Thị Nga, sinh sống gần Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Chi nhánh Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn Phú Yên, cho biết: Trước đây, khói, bụi, mùi phát thải từ ở nhà máy chế biến tinh bột sắn khiến mọi người rất khó chịu. Giờ đây, tôi thấy tình trạng khói bụi đã giảm so với trước đây.

Khu vực sản xuất của Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La.

Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, là quy định bắt buộc các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung phải chấp hành. Qua các đợt kiểm tra, giám sát, quan trắc môi trường cho thấy các cơ sở đã có sự đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng xử lý khói bụi, giảm thiểu tác động tới môi trường. 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới