Thêm màu xanh mới nơi bản làng vùng cao

Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong triệt xóa cây thuốc phiện, những vùng đất một thời là "thánh địa" của "nàng tiên nâu" giờ được phủ màu xanh cây trồng, mô hình kinh tế hiệu quả, mang no ấm cho nhân dân vùng cao.

Quá khứ đói nghèo, lạc hậu…

Một ngày tháng 8, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi đến xã Mường Cai, huyện Sông Mã, là xã biên giới cách trung tâm huyện 25km, tìm gặp già làng, người có uy tín Sộng Páo Nênh, nguyên bí thư Đảng ủy xã Mường Cai, người có công lớn trong việc giúp đồng bào Mông nơi đây xóa bỏ cây thuốc phiện. Ông Nênh, kể: Những năm 90 trở về trước, cây thuốc phiện là một trong những cây trồng chính của đồng bào dân tộc Mông ở đây. Hồi đó, cây thuốc phiện trồng khắp nơi, trên nương, dưới ruộng và quanh vườn nhà. Có gia đình cả vợ chồng, con cái đều nghiện thuốc phiện, chìm đắm trong làn khói thuốc của “nàng tiên nâu”, cái đói, cái nghèo mãi bám riết lấy người dân!

Lực lượng chức năng tuyên truyền cho bà con xã Mường Cai, huyện Sông Mã không tái trồng cây thuốc phiện.

Đến xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, chúng tôi được trò chuyện với ông Vàng Giống Xào, năm nay đã ngoài 90 nhưng còn minh mẫn. Nhắc lại quá khứ trồng cây thuốc phiện ở Long Hẹ, ông Xào nói: Người Mông ở Long Hẹ trồng thuốc phiện rầm rộ từ những năm 1993 về trước, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Hằng năm, trung bình mỗi hộ thu hoạch được 3 - 4kg thuốc phiện. Cá biệt nhiều hộ trồng ở bản Pú Chắn thu được 5kg nhựa thuốc phiện. Thời bấy giờ, 1kg thuốc phiện bán được 300.000 đồng. Nhiều hộ dùng 1kg thuốc phiện đổi được cả con trâu mộng ở vùng thấp.

Tiền kiếm được từ việc trồng thuốc phiện nhiều hay ít không ai rõ, chỉ biết rằng, ở khắp các bản làng vùng cao vẫn có tới 80% số hộ đói. Làn khói thuốc phiện đã “cuốn phăng” bao ngô lúa, trâu bò, lợn gà của các gia đình, khiến nhiều vợ chồng tan vỡ vì trong nhà có người thân nghiện ngập, có bản hơn 50% số dân nghiện hút, sức khỏe lao động giảm sút, thiếu đói triền miên, dân trí thấp; an ninh trật tự phức tạp...

Theo thống kê, tại thời điểm năm 2005, toàn tỉnh có 9.487 người nghiện ma tuý tại 61,32% bản, tiểu khu, tổ dân phố của 94,03% xã, phường, thị trấn, chiếm trên 1% dân số; có 86% xã, phường, thị trấn và 36% số tổ bản có điểm tệ nạn ma tuý; gần 80% các vụ án hình sự là do những người có liên quan đến ma tuý gây ra; tình trạng tái trồng cây thuốc phiện diễn ra ở nhiều nơi; tệ nạn ma tuý gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự, gây bất bình và lo lắng trong nhân dân.

Xóa bỏ cây thuốc phiện

Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy Sơn La chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức ký cam kết không tái trồng cây thuốc phiện với các xã, bản, hộ, già làng các bản có nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện; thành lập tổ công tác kiểm tra, triệt phá cây thuốc phiện; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất để người dân không còn tái trồng cây thuốc phiện, yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống.

Thực hiện Kết luận 03-KL/TU ngày 7/1/2006 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XI) về tăng cường công tác ph òng, chống ma tuý giai đoạn 2006 - 2010, huy động các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp và toàn dân cùng vào cuộc. Vận động toàn dân chủ động phát hiện, tố giác tội phạm và người nghiện ma tuý; tham gia giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi tại cộng đồng, tạo điều kiện cho người nghiện ma tuý cai nghiện, phục hồi chức năng và hoà nhập cộng đồng, coi đây là cuộc cách mạng có ý nghĩa chính trị xã  hội và kinh tế rất quan trọng. Phát huy vai trò cán bộ, đảng viên gương mẫu việc bỏ trồng và cai nghiện thuốc phiện...

Nhằm bảo đảm cho sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện trong vùng đồng bào Mông, năm 2007, tỉnh tổ chức cuộc vận động thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bảo dân tộc Mông, tất cả các bản, dòng họ đều triển khai nội dung và ký cam kết thực hiện, trong đó có "không tái trồng cây thuốc phiện và buôn bán ma túy". Quá trình triển khai, phát huy mạnh mẽ vai trò của bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông và các đoàn thể quần chúng ở địa phương để kiên trì thuyết phục, giải thích quần chúng tự giác chấp hành.

Kể về quá trình xóa bỏ cây thuốc phiện, ông Mùa A Chia, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, chia sẻ: Những năm 1993, tôi đã cùng với lãnh đạo xã tiên phong phá bỏ cây thuốc phiện trên những mảnh nương vườn của gia đình; trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền về tác hại trồng cây thuốc phiện, động viên gia đình đưa người nghiện đi cai nghiện tại cộng đồng. Ban đầu, nhiều người tỏ thái độ bất hợp tác và chống đối, nhưng thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tôi đã kiên trì vận động tuyên truyền, dần dần, đồng bào đã nghe, làm theo, xóa bỏ cây thuốc phiện và thay thế các loại cây trồng khác.

Lực lượng chức năng triệt phá cây thuốc phiện ở xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai.

(Ảnh tư liệu)

Công tác triệt phá cây thuốc phiện gặp nhiều gian nan, bởi các đối tượng thường lén lút tái trồng tại vùng giáp ranh giữa các xã trong huyện hoặc giáp ranh với các huyện khác, chọn những khe núi cao, sâu trong rừng già, không có đường đi lối lại để phát nương, gieo hạt; hoặc nhiều đối tượng còn ngụy trang trồng xen lẫn diện tích rau màu. Lực lượng chức năng phải đi bộ hàng tuần trời; đường không có, phải phát rừng mà đi; đêm ngủ lại trong rừng, còn có cả những nguy hiểm gặp phải như quanh nương thuốc phiện người ta thường đặt bẫy, các đối tượng trồng rất manh động, thấy cán bộ có khi còn nổ súng chống lại… Song với sự tuyên truyền,vận động tích cực, triệt xóa bền bỉ của lực lượng chức năng, nhiều năm qua, những thung lũng thuốc phiện dần được phá bỏ.

Phủ màu xanh no ấm

Trở lại các bản làng vùng cao, ghi nhận sự đổi thay từng ngày đang diễn ra nơi đây. Những nương thuốc phiện xưa đã được trồng rừng phòng hộ, cây chè, vườn cây sai trĩu quả; những trang trại, gia trại gia súc, mang lại hiệu quả kinh tế cao; cuộc sống của bà con vùng cao đã được no ấm đủ đầy, trẻ em được đi học, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú.

Ông Hàng A Sở, bản Pa Khen chuyển sang trồng mận hậu cho thu nhập cao. 

Điển hình “tỷ phú chân đất” là ông Hàng A Sở, sinh năm 1955, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu. Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình ông Sở lãi hơn 1 tỷ đồng/năm; ông là đại diện duy nhất của tỉnh Sơn La nằm trong tốp 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Khoát tay chỉ vườn cây ăn quả rộng vài héc ta, ông Sở nói: Trước đây, bố mẹ tôi nghiện thuốc phiện, nên 3 ha đất này đều trồng cây thuốc phiện, cuộc sống thiếu thốn, tôi phải cùng các anh chị lên nương đào củ mài, củ nâu về ăn. Từ những năm 90, khi cây mận hậu bắt đầu bén rễ với đất Mộc Châu, tôi đã chuyển đổi sang trồng hàng trăm gốc mận hậu. Tính riêng vụ mận năm nay thu được 50 tấn quả, trừ chi phí lãi khoảng 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn trồng cam 1 ha cam đường canh 8 năm tuổi áp dụng chăm sóc theo hướng hữu cơ, vụ cam năm ngoái xuất bán được 30 tấn quả, trừ chi phí, lãi khoảng 600 triệu đồng.

Còn ông Sùng A Chư, ở bản Pa Chè, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, cũng nhờ từ bỏ cây thuốc phiện, chăm chỉ lao động sản xuất, đã trở thành một trong những hộ giàu có nhất vùng. Ông Chư bảo: Nhà nước đưa ra chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cán bộ xã, huyện đến tận nhà vận động bà con không tái trồng và hút thuốc phiện, được sự động viên của gia đình, tôi đã cai nghiện thành công. Cùng năm đó, Nhà nước hỗ trợ giống cây mận, cây chè và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tôi cải tạo 3 ha đất trồng mận, 1 ha chè, còn lại trồng ngô, lúa; giá mận ổn định, có lãi cả trăm triệu, số tiền mà trước đây trong mơ cũng chưa từng nghĩ đến. 

Ông Sùng A Chư, xã Vân Hồ phát triển kinh tế trở thành triệu phú. 

Trở lại xã vùng cao Long Hẹ, huyện Thuận Châu, ông Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng ủy xã, vui mừng nói: Được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, gia súc và hướng dẫn kỹ thuật, nhiều hộ dân đã đưa cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như xoài tượng, nhãn ghép vào trồng thay thế cây ngô, cây sắn... Chính vì thế, cây mận hậu, cây chè, cây táo Sơn La, cây dược liệu, cây dâu tằm, đàn gia súc, gia cầm của Long Hẹ tăng trưởng nhanh với 596 ha cây sơn tra, 52 ha xoài, 15,5 ha nhãn, 13,6 ha chanh leo; thành lập được 3 HTX giúp người dân tổ chức phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, đem lại thu nhập cao cho bà con.

Với sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triệt phá cây thuốc phiện, trên những bản làng vùng cao giờ đây, cái đói, cái nghèo bởi "nàng tiên nâu" đã lùi vào quá khứ. Nhờ Đảng, Nhà nước, màu xanh của những cánh rừng, vườn cây ăn quả đang bật lên sức sống mạnh mẽ - màu xanh của khát vọng đổi đời của nhiều người dân vùng cao, với cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới