Sớm có giải pháp chống khan hiếm xăng, dầu

Thời gian gần đây, tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh; nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng bán. Ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, cũng như sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều người dân huyện Sốp Cộp xếp hàng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 220.

 

Chiều ngày 7/11, anh Lò Văn An, ở xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp phải ra Sơn La học, đến xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã thì xe máy của anh báo hết xăng, nhưng khi vào các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên quốc lộ 4G đều thông báo hết xăng. Anh An cho biết: Từ thị trấn Sông Mã đến xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn không có cây xăng nào bán, may tại xã Chiềng Khương có một cửa hàng bán xăng bằng cây mi ni, tôi đành phải mua tạm 2 lít, với giá 40.000 đồng/lít. Sau đó, đi đến tận cây xăng xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tôi mới mua được xăng để đến thành phố Sơn La.

Rất đông người dân chờ mua xăng tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex 208, tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu.

Không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại người dân, các công ty vận tải hành khách bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Minh Thư, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách số 1 Sơn La, cho biết: Công ty có 218 đầu xe, trong đó xe buýt 64 đầu xe, 30 xe taxi còn lại là xe chở khách chạy tuyến nội tỉnh, liên tỉnh. Tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra hơn tháng nay, riêng tuyến Sốp Cộp đã xảy ra gần 2 tháng nay, nên chúng tôi đã phải chủ động mua xăng, dầu ngoài thành phố để đảm bảo cả chiều đi, chiều về. Từ 2 tuần nay, tình trạng các xe không đủ dầu để chạy xảy ra nhiều lần. Điển hình, ngày 7/11, xe chạy tuyến Phù Yên về thành phố Sơn La, đến khu Tân Thảo, xã Cò Nòi báo hết dầu, phải mua lẻ dọc đường với giá rất cao 100 nghìn đồng/lít. Hay, trong ngày hôm nay 8/11, các xe chạy khắp thành phố nhưng không mua được dầu, nên công ty đã phải bỏ một số chuyến, thậm chí xe chạy rồi nhưng phải dừng dọc đường do hết dầu; như tuyến thành phố Sơn La - Phù Yên có 4 chuyến phải dừng 2 chuyến. Còn xe buýt phải chạy dồn chuyến, tập trung ưu tiên cho các chuyến vào giờ đưa, đón học sinh đi học. Để có dầu chạy, lái xe của công ty còn đỗ xe ở các cây xăng từ đêm hôm trước, khi có dầu nhập về thì mua luôn.

Trao đổi về nội dung này, bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 169 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đang hoạt động tại địa bàn 120/204 xã, phường, thị trấn. Trong ngày 7/11, toàn tỉnh có 8 cửa hàng hết xăng; 1 cửa hàng hết dầu; 22 cửa hàng hết xăng, hết dầu và 1 cửa hàng tạm dừng hoạt động. Đảm bảo việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 8/11, Sở đã trao đổi với Chi nhánh xăng dầu Sơn La tăng cường nguồn cung cho hệ thống các cửa hàng để phục vụ người dân. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ ra nguyên nhân tình trạng hết xăng dầu và dừng bán chủ yếu hiện nay là do mức chiết khấu của các nhà phân phối cho các cửa hàng bán lẻ quá thấp, cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 8/2022, các doanh nghiệp đã bù lỗ khoảng 500 - 1.000 đồng/lít xăng; một số đơn vị gặp khó khăn trong việc nhập hàng do các nhà phân phối hạn chế nguồn cung. Còn với hệ thống của Chi nhánh xăng dầu Sơn La hiện nay, có một số cửa hàng hết dầu, do các cây xăng tư nhân nghỉ bán nên người dân dồn về các cửa hàng của Chi nhánh, một số người dân mua tích trữ và bán lẻ, nên phải bán hạn chế để san sẻ cho khách hàng; để kịp thời khắc phục tình trạng này, Chi nhánh xăng dầu Sơn La đang khẩn trương điều tiết nguồn hàng từ kho tại Thanh Hóa.

Trước đó, Sở Công Thương đã ban hành Công văn số 1446/SCT-QLTM ngày 28/8/2022 về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sơn La, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu; trường hợp gặp khó khăn trong việc nhập xăng, dầu từ các thương nhân phân phối, kho đầu mối thì báo cáo Sở để kiến nghị Bộ Công Thương xem xét giải quyết; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tuyệt đối không thực hiện các hoạt động tạo bất ổn trong dư luận... Ban hành Kế hoạch số 104/KH-SCT ngày 13/10/2022 về kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sở đã làm việc với Công ty CP Sơn Lâm, Công ty TNHH Đậu Thắm, Công ty TNHH Hoa Xuân, Chi nhánh xăng dầu Sơn La. Đồng thời, phối hợp với Cục quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát  các cửa hàng xăng dầu báo cáo hết xăng dầu do không nhập được xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá… Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp đối với các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu đảm bảo nguồn cung, tăng chiết khấu phù hợp với chi phí của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu…

Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu, việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; thời gian bán xăng dầu, các quy định khác về bán lẻ xăng dầu. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; các hành vi ngừng bán hàng, cắt giảm thời gian bán hàng, giảm lượng hàng bán ra mà không có lý do chính đáng và các hành vi vi phạm quy định về giá bán lẻ xăng dầu nếu có.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra lượng xăng dầu tại một cửa hàng trên địa bàn huyện Phù Yên.

Thời điểm này, nông dân Sơn La cũng đang vào mùa thu hoạch nông sản, nên nhu cầu sử dụng xăng dầu của người dân tăng cao. Nếu tình trạng khan hiếm xăng dầu kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp; mà đã có hiện tượng một số người dân tranh thủ mang can, chai lọ đến để mua tích trữ xăng, dầu, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Vì vậy, các cấp, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp giải quyết thấu đáo, tránh để tình trạng khan hiếm xăng, dầu kéo dài.

 

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới