Sản xuất, chế biến cà phê gắn với bảo vệ môi trường

Những lứa cà phê đầu tiên của niên vụ 2022-2023 đang được các doanh nghiệp, HTX thu mua từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Để sản xuất cà phê bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp vừa đảm bảo sản xuất, tiêu thụ cà phê cho người dân, vừa chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê.

Chuyển biến nhận thức tới hành động

Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 18.000 ha cà phê trồng tập trung trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, Yên Châu và Thành phố; sản lượng cà phê nhân niên vụ 2022-2023 ước đạt trên 30.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở chế biến cà phê tập trung, gồm: Xưởng chế biến cà phê Cát Quế, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu; xưởng chế biến cà phê Minh Tiến, bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La; nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La của Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La, xã Chiềng Ban và xưởng chế biến cà phê của HTX Xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn.

Cán bộ Công ty CP Phúc Sinh Sơn La hướng dẫn người dân xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn chăm sóc, thu hái cà phê.

Các niên vụ sản xuất cà phê gần đây, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung. Trên cơ sở đó, kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục 24/24 giờ đối với các cơ sở và hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở quy mô nhỏ. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) yêu cầu 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung lắp đặt hệ thống camera giám sát việc xử lý chất thải trong quá trình chế biến kết nối đến Sở TN&MT, UBND các huyện. Việc giám sát được thực hiện 24/24 giờ, nhất là vào những ngày trời mưa, thông qua hệ thống camera, cán bộ sẽ quan sát, theo dõi được quy trình vận hành, xử lý nước thải. Cách này, đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khi cắt giảm thời gian kiểm tra, giám sát trực tiếp.

Xưởng chế biến cà phê Cát Quế, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, có công suất sơ chế 80 tấn cà phê tươi/ngày, đêm, đang bao tiêu cà phê toàn huyện Thuận Châu và một số xã của Thành phố. Niên vụ cà phê 2021-2022, xưởng đã thu mua và chế biến hơn 9.640 tấn cà phê tươi, đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ hóa lý để thu gom, xử lý chất thải theo quy định.  

Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La xuất bán sản phẩm cà phê sau chế biến.

Còn nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La của Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La, niên vụ 2021-2022 đã thu mua, chế biến gần 11.390 tấn cà phê tươi. Công ty đã xây dựng thêm hồ chứa phủ bạt HDPE dung tích 484 m³ để tiếp nhận nước thải sau sản xuất và nước rỉ vỏ từ khu vực ủ bã vỏ cà phê. 

Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm

Năm 2021, địa bàn Thành phố chưa xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước do hoạt động sơ chế cà phê. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường vẫn còn khó khăn, vướng mắc, do diện tích trồng và sản lượng cà phê đang gia tăng. Các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung bằng phương pháp ướt quy mô lớn với công suất khoảng 56.000 tấn/năm, chỉ chiếm khoảng 15% sản lượng toàn tỉnh. Còn lại, phần lớn sản lượng quả tươi được sơ chế tại các cơ sở nhỏ lẻ, sau đó bán lại các doanh nghiệp thu mua lớn, do đó, có nguy cơ ô nhiễm cao.

Kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, xử lý nước thải tại Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.

Có 3 loại phụ phẩm chính từ quá trình chế biến cà phê theo phương pháp ướt ở Sơn La hiện nay, gồm: Nước thải, vỏ quả cà phê tươi và vỏ trấu cà phê. Để thu gom, xử lý nước thải cà phê, tại một số đơn vị chế biến đang sử dụng bể chứa lót bạt chống thấm đang tồn tại 2 nguy cơ rách bạt khiến nước thải ngấm xuống đất và nguy cơ tràn bể chứa khi mưa nhiều, có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng. 

Đối với bã vỏ cà phê tươi, theo ước tính của Sở NN&PTNT, mỗi vụ sản xuất rất lớn khoảng trên 20.000 tấn/vụ. Ngoài các cơ sở chế biến tập trung có khả năng thu gom bã vỏ cà phê tươi ít làm ảnh hưởng đến môi trường, còn lại phần lớn lượng vỏ bã cà phê tươi được người dân sử dụng làm phân bón dưới dạng ủ trong các hố đào trực tiếp trong vườn cà phê và bón trực tiếp ngay vào các gốc cà phê. Cả hai biện pháp này đều ảnh hưởng tới môi trường, vì chỉ sau thời gian bã vỏ cà phê tươi bị phân hủy, phát sinh mùi hôi thối ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí. Trời mưa, lượng lớn chất thải từ bã vỏ cà phê bị phân hủy trôi theo dòng nước, ngấm xuống đất, gây ô nhiễm cao các nguồn nước sinh hoạt.

Còn vỏ trấu cà phê, cơ bản tái sử dụng làm chất đốt phục vụ quá trình sấy, nhưng quá trình sát vỏ trấu phát sinh tiếng ồn và bụi, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực xưởng chế biến. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê, Sở TN&MT, Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Cà phê tỉnh Sơn La đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La".

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Xưởng chế biến cà phê Cát Quế, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu.

Tại Hội thảo, đại biểu đã thảo luận về thực trạng và đưa ra giải pháp về bảo vệ môi trường trong chế biến cà phê tại Sơn La; công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất chế biến cà phê; công tác thẩm định công nghệ đối với các cơ sở chế biến cà phê tập trung trên địa bàn tỉnh và định hướng ứng dụng công nghệ xử lý nước thải trong các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, HTX và hộ gia đình; hiện trạng và định hướng phát triển vùng nguyên liệu cà phê phục vụ các nhà máy chế biến, hướng dẫn các biện pháp xử lý phụ phẩm cà phê phục vụ phát triển cà phê bền vững; công tác quản lý các cơ sở chế biến theo quy mô gia đình trên địa bàn; thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, nguồn nước từ hoạt động chế biến cà phê, công tác bảo vệ nguồn nước sinh hoạt...

Đoàn kiểm tra của tỉnh kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của xưởng chế biến cà phê HTX Xây dựng và Phát triển nông thôn Mường Chanh.

Việc phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê hiệu quả, cần có sự quyết tâm vào cuộc chủ động của các cấp, các ngành. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở chế biến cà phê, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Với những giải pháp quyết liệt đã và đang triển khai, tin tưởng người dân Sơn La sẽ có một vụ cà phê thắng lợi gắn với việc bảo vệ tốt môi trường.

 

Minh Thu - Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới