Những cánh rừng xanh mãi

Bắc Yên đang có gần 42.000 ha rừng, chủ yếu ở các xã vùng cao và một số xã vùng dọc theo sông Đà, với địa hình đồi núi phức tạp, hiểm trở. Từ đầu năm đến nay, xuất hiện các đợt nắng nóng cùng với khô hạn kéo dài, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp cực kỳ nghiêm trọng. Lực lượng kiểm lâm địa phương đang bám sát địa bàn, cùng chính quyền và nhân dân nỗ lực bảo vệ rừng.

Khu rừng phòng hộ xã Háng Đồng.

Tăng cường kiểm tra thực địa

Cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên kiểm tra thực địa tại khu rừng phòng hộ Háng Đồng - Xím Vàng, thuộc khu rừng đặc dụng Tà Xùa. Nơi đây, có trên 9.733 ha rừng, là khu vực rừng nguyên sinh có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Thấy tôi lúi húi chuẩn bị đồ ăn, nước uống mang theo phục vụ cho chuyến đi,  anh Thào A Tháy, bản Chống Tra, xã Háng Đồng, bảo: Chúng tôi đã chuẩn bị cơm nếp, thịt khô, còn nước uống thì các anh không cần mang đi đâu, vì trong rừng có nhiều mó nước trong vắt, uống ngon lắm.

Khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu xuất phát, ai cũng đều trang bị cho mình đủ giày, mũ, găng tay, áo khoác mỏng chống nắng và côn trùng. Đi chừng 45 phút, chúng tôi tới cửa rừng. Những khu rừng bạt ngàn xanh tốt ngút tầm mắt, với nhiều loại cây gỗ quý cao, mọc thẳng đứng, to chừng phải vài người ôm mới xuể, dưới tán cây là các tầng lớp cây lớp nhỏ đan xen, dưới gốc cây là các lớp thảm thực vật dày nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Ông Hoàng Trọng Lưu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên, cho biết: Để bảo vệ tốt diện tích rừng đẹp như thế này, không để xảy ra các vụ cháy rừng, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền cơ sở, hỗ trợ chủ rừng tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn khai thác rừng trái phép và các hành vi chặt phá, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương; xử phạt nghiêm các hành vi, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Tiếp tục hành trình kiểm tra thực địa của rừng, anh Cầm Văn Hảo, cán bộ kiểm lâm địa bàn, nói với chúng tôi: Để có được cánh rừng đẹp, xanh tốt như thế này, chúng tôi phải trải qua bao vất vả. Nhiều khi phải nhịn đói, ngủ rừng để ngăn chặn lâm tặc. Phải thường xuyên bám nắm địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Đồng thời, chủ động phối hợp với cán bộ xã thực hiện kế hoạch bảo vệ và phòng chống cháy rừng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã, bản và chủ rừng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm về phòng chống cháy rừng (PCCR) và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); quản lý các hoạt động canh tác đất nương của người dân. Lâu lâu mới được về thăm gia đình.

Nâng cao ý thức bảo vệ rừng

Tại xã Háng Đồng, việc bảo vệ, PCCR được cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng với nhiều hình thức, như: Phát tờ rơi, cắm biển báo và trên hệ thống truyền thanh của xã, bản. Đặc biệt, xã luôn chủ động lồng ghép các nội dung, văn bản pháp luật liên quan công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản vào các cuộc họp của xã, bản. Ông Hờ A Mang, Chủ tịch UBND xã Háng Đồng, nói: Xã đã thành lập 5 tổ PCCR tại các bản; xây dựng các phương án PCCCR phù hợp với điều kiện của xã; đưa nội dung bảo vệ rừng vào quy ước của các bản gắn với trách nhiệm của từng gia đình, từng người dân.

Lực lượng kiểm lâm huyện Bắc Yên triển khai phương án bảo vệ, PCCCR đặc dụng Tà Xùa

Háng Đồng đã khuyến khích nhân dân chuyển đổi cây trồng, tích cực trồng các loại cây dược liệu và thảo quả dưới tán rừng tại các bản Háng Đồng C, Làng Sáng; phát triển cây chè tại bản Háng Đồng và Háng Đồng C; trồng sơn tra, cây lê tại các bản Háng Bla, Háng Đồng… Phát huy tiềm năng địa phương, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch tại điểm Sống lưng Khủng long kết hợp với du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, nhận thức của người dân được nâng cao, hơn 5.500 ha rừng đặc dụng của xã không còn xảy ra tình trạng cháy rừng như trước.

Đi sâu vào bản Làng Sáng, nằm ở vùng lõi thuộc khu rừng đặc dụng Tà Xùa, nhưng lại thuộc địa phận xã Háng Đồng, có trên 1.600 ha rừng, 100% là đồng bào dân tộc Mông, 112 hộ được hưởng dịch vụ môi trường rừng, với tổng số tiền chi trả hàng năm trên 1 tỷ đồng. Từ nguồn lợi này, người dân đã có nguồn thu nhập ổn định. Vì vậy, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng nâng cao, không còn các vụ xâm phạm, phá hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Ông Mùa A Thông, người dân bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, nói: Trước đây, người dân có thói quen vào rừng khai thác lấy gỗ làm nhà, đốt rừng làm nương nên tình trạng cháy rừng, sạt lở đất, lũ quét thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đời sống. Nhưng từ ngày được cán bộ tuyên truyền, bà con đã hiểu rõ lợi ích từ rừng mang lại, 100% số hộ trong bản đã ký cam kết không đốt rừng làm nương, giữ rừng để có nguồn nước phục vụ sinh hoạt, cấy lúa, trồng rau, thả cá... nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Chủ động các phương án “4 tại chỗ”

Xím Vàng có hơn 4.233 ha rừng, có nhiều loại cây gỗ to như thộ lộ, dổi, sấu, dẻ… Để quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng, ông Giàng A Nênh, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng, cho hay: Đội ngũ cán bộ xã thường xuyên phối hợp với kiểm lâm viên địa bàn, tăng cường tuyên truyền đến các hộ, nâng cao nhận thức về phòng chống chữa cháy rừng; xây dựng phương án PCCCR với phương châm “4 tại chỗ” và “4 sẵn sàng”, phù hợp với điều kiện của xã. Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra cháy rừng.

Lực lượng PCCR xã Xím Vàng kiểm tra khu rừng phòng hộ xã Xím Vàng - Háng Đồng.

Là bản giáp ranh với khu rừng phòng hộ, thuộc khu rừng đặc dụng Tà Xùa, bản Xím Vàng, xã Xím Vàng luôn làm tốt công tác PCCR. Ông Giàng A Nhìa, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Bản có 2 tổ tuần tra quản lý và bảo vệ hơn 500 ha rừng. Các tổ thay phiên nhau đi tuần tra 2 lần/tháng. Trong quá trình kiểm tra, nếu gặp ai phá rừng làm nương, chặt phá cây, xẻ lấy gỗ thì tịch thu máy mang về xã và báo cáo với kiểm lâm địa bàn. Lần đầu thì có thể nhắc nhở nhưng lần 2 sẽ báo lên xã, giao cho Hạt Kiểm lâm để xử lý.

Cùng với đó, bản đã chủ động đưa công tác phát triển, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vào hương ước, quy ước của bản. Với cách làm này, được người dân hưởng ứng, nhận thức của người dân cũng ngày một nâng cao. Đặc biệt, chúng tôi chủ động PCCR theo phương châm “4 tại chỗ” và “4 sẵn sàng”, huy động nhân lực, các vật dụng sẵn có của các gia đình, như: Dao, cuốc, xẻng chặt cây làm đường cản lửa khi có cháy rừng xảy ra. Mong các cấp, các ngành quan tâm tăng phí dịch vụ chi trả môi trường rừng, để bà con có thêm điều kiện tuần tra, bảo vệ rừng; yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống nhờ rừng.

Đang là cao điểm nắng nóng, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên tiếp tục rà soát các địa bàn có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, lập phương án PCCCR cấp huyện, cấp xã; phối hợp chặt chẽ với các xã tổ chức họp dân, ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Phát huy vai trò người có uy tín của xã, bản để vận động quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; kiện toàn 16 Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng cấp xã, thị trấn, 144 tổ đội quần chúng Bảo vệ rừng - PCCCR; đã tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng - PCCCR giữa Hạt Kiểm lâm huyện với UBND 16 xã, thị trấn; giữa Chủ tịch UBND xã, thị trấn với 101 ban quản lý bản, tiểu khu; giữa 101 bản, tiểu khu với 3.968 chủ rừng trên địa bàn huyện.

Với nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, huyện Bắc Yên tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên địa bàn, phấn đấu nâng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 50% vào năm 2025.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới