Mường La nỗ lực thoát nghèo • Kỳ I: Những cách làm sáng tạo ở cơ sở

Những đồi sơn tra trĩu quả; những chuồng trại chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa được đầu tư bài bản, hiệu quả kinh tế cao; hồ thủy điện với hàng trăm lồng cá lớn nhỏ, mang lại việc làm và thu nhập ổn định; vùng cao khó khăn biến thành “miền quê cổ tích” khiến nhiều du khách xao lòng... Những kết quả đó, thể hiện sự năng động, nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Mường La trên hành trình thoát nghèo, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp

Trên đường lên vùng cao Chiềng Công, đoạn từ xã Chiềng Hoa lên xã, mặc dù tuyến đường đã được bổ bê tông, nhưng đã xuống cấp, mặt đường lổn nhổn đá và những rãnh nước cắt ngang. Gần đến trụ sở xã, hai bên đường, trên nương đồi, xung quanh nhà ở của các hộ dân là những cây sơn tra, quả trĩu cành, chín vàng, đang vào mùa thu hoạch.

Là xã đặc biệt khó khăn, Chiềng Công có 1.078 hộ dân, thuộc đồng bào dân tộc Mông và La Ha. Diện tích đất sản xuất chủ yếu là đất đồi có độ dốc cao, qua nhiều năm trồng cây ngô, cây sắn, đất bị xói mòn, bạc màu, năng suất cây trồng thấp. Xã có 51,7% hộ nghèo. Bài toán thoát nghèo đang được “giải” từ chính cây trồng, vật nuôi đã gắn bó bao đời với bà con ở xã vùng cao này. Một trong những cây trồng đó là cây sơn tra.

Nhân dân bản Đin Lanh, xã Chiềng Công, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch quả sơn tra.

Anh Lầu A Say, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Sơn tra gắn bó với người dân Chiềng Công từ bao đời nay, nhưng đến năm 2009 mới thực sự trở thành cây trồng “đa mục tiêu”. Khi ấy, bà con được huyện hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng mới và chăm sóc diện tích đã có. Thời gian sau đó, sản phẩm quả sơn tra được các thương lái về tận bản, xã thu mua, với giá bán giao động từ 3.000-8.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng quả). Nhận rõ lợi ích của cây trồng này, người dân ở 13/17 bản trong xã đã học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, tạo tán cho cây sai quả. Từ cây trồng tự nhiên, sơn tra trở thành cây trồng chủ lực, với trên 473 ha, mang lại thu nhập hơn 11 tỷ đồng/năm cho các hộ trồng sơn tra.

Câu chuyện trên hành trình thoát nghèo ở Chiềng Công không dừng lại ở cây sơn tra, mà điểm nhấn lại là sự thay đổi cách thức chăn nuôi từ thả rông gia súc sang nuôi nhốt chuồng. Với quyết tâm phá bỏ tập quán thả rông gia súc đã “ăn sâu” trong cách làm của bà con từ bao đời nay, xã chọn 8 gia đình bí thư, trưởng bản, tiên phong làm chuồng, mỗi hộ nuôi 5 con trâu, bò; tận dụng bìa rừng, diện tích đất nương bạc màu trồng cỏ voi VA06 làn thức ăn chăn nuôi. Các vật liệu làm chuồng được sử dụng là cây gỗ, cây tre lấy trên rừng; mái lợp ngói hoặc Fiprôximăng; mùa đông dùng bạt quây kín tránh rét cho gia súc. Từ cách làm này, đến nay ở Chiềng Công chỉ còn vài hộ dân ở bản Pá Chè là nuôi chăn thả, còn lại đều đã làm chuồng nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng số trên 2.300 con trâu, bò.

Ông Giàng A Trạng, bản Đin Lanh, xã Chiềng Công, bảo: Bản có 104 hộ dân thì có 70 hộ nuôi đại gia súc nhốt chuồng (trung bình mỗi hộ nuôi 6 con trâu, bò). Năm 2020, gia đình tôi đầu tư nuôi 6 con bò nhốt chuồng, trong đó có bò sinh sản. Năm 2021, bán 2 con bò thương phẩm, thu 30 triệu đồng. Trước đây, gia đình thường thả gia súc trên các sườn đồi, chúng hay mắc bệnh, cũng có con lạc vào rừng không tìm thấy. Bây giờ, nuôi nhốt chuồng, gia súc được bảo vệ tốt, chăn nuôi đạt hiệu quả, vì vậy tôi dự định sẽ mở rộng chuồng để tăng đàn.

Khai thác lợi thế mặt hồ thủy điện

Chúng tôi đến thăm khu vực nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La của gia đình ông Lường Văn Biển, bản Tà Sài. Giữa mênh mông sóng nước, ông Biển kể: Năm 2012 nước hồ thủy điện dâng, người dân xã Chiềng Lao đã khai thác lợi thế diện tích mặt hồ để phát triển nghề nuôi cá lồng. Thời điểm khởi nghề được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm lồng, cá giống và hướng dẫn kỹ thuật. Hiện, gia đình tôi có 14 lồng cá nuôi các loại cá: Lăng, trắm cỏ, trắm đen, rô phi; sản lượng đạt 6 tạ cá thương phẩm/lồng/năm, trừ chi phí thu nhập bình quân 25 triệu đồng/lồng/năm.

 

Người dân bản Tà Sài, xã Chiềng Lao, chăm sóc cá lồng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Quàng Thị Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Lao, cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, nghề nuôi cá lồng là một trong ba hướng phát triển kinh tế trọng tâm của xã (trồng cây ăn quả trên đất dốc; nuôi gia súc nhốt chuồng và nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện). Đưa nghị quyết vào cuộc sống, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các hộ nuôi cá để có hướng giải quyết kịp thời. Trong đó, kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ dân có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất; tổ chức 1-2 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất/năm; kết nối tiêu thụ sản phẩm... Tạo điều kiện cho các hộ dân tại 11 bản khu vực lòng hồ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá lồng. Hiện nay, xã có 235 lồng cá, sản lượng đạt gần 141 tấn cá thương phẩm/năm. 

Theo chia sẻ của các hộ dân trong xã, tuy chưa bán được cho đầu mối lớn, nhưng sản phẩm cá được tiêu thụ trên thị trường trong huyện, trong tỉnh. Trừ chi phí, mỗi lồng cá thu được 25 triệu đồng; thu nhập hơn hẳn so với trồng ngô và lúa nương. Hơn nữa, đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi: Cùng với nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, nuôi gia súc nhốt chuồng và trồng cây ăn quả trên đất dốc cũng có những bước khởi sắc. Hiện, Chiềng Lao có 395 ha cây ăn quả các loại (hơn 170 ha đã cho thu hoạch quả), sản lượng đạt 964 tấn quả. Gần 5.000 con gia súc nuôi theo hình thức nhốt chuồng làm hàng hóa, tạo thu nhập đáng kể. Với hướng đi này, chắc chắn, Chiềng Lao sẽ bứt phá vươn lên.

Xây “miền quê cổ tích”

Trải nghiệm trên những tuyến đường nội bản đổ bê tông rộng rãi, phong quang; hai bên đường là những bức tường được tạo hình và ghép bằng những viên sỏi được lấy về từ dòng suối Chiến, với những hình ảnh về con người, phong cảnh thiên nhiên, bắt mắt và độc đáo. Có bản xây bể ven đường để nuôi cá koi; xây dựng điểm du lịch chong chóng khổng lồ, guồng nước ven suối Chiến. Có bản lại tạo không gian văn hóa và giới thiệu đặc sản rượu cần của dân tộc La Ha (bãi đá lẩu xá)... Những công trình này, đều do nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, công lao động để tạo cảnh quan và phát triển du lịch... khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn về những nỗ lực, sự thay đổi tư duy phát triển kinh tế của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã vùng cao Ngọc Chiến.

Nằm ở độ cao 1.800m so với mặt nước biển, Ngọc Chiến có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình là 23 độ C. Xã có 13 khu khoáng nóng; hơn 10 km dòng suối Chiến hiền hòa, trong xanh. Trên 300 ha đồi thông bon sai, loại thông tự nhiên chỉ riêng có ở Ngọc Chiến. Hơn 2.650 ha cây sơn tra, vào mùa hoa nở trắng núi rừng, tạo thành bức tranh thiên nhiên nhiều cảm xúc. Trên 1.000 ha cây chè cổ thụ trong rừng nguyên sinh. Hệ thống thác nước, hang động phong phú, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Cây sa mu trên 1.000 năm tuổi; truyền thuyết đôi cây tình yêu… Tất cả đã tạo cho Ngọc Chiến những lợi thế riêng để phát triển nghề du lịch.

Trò chuyện với chúng tôi về việc khai thác tiềm năng, lợi thế trong hành trình phát triển, đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Cả hệ thống chính trị trong xã đồng bộ vào cuộc, tiến hành cuộc “cách mạng thay đổi tư duy” của chính cán bộ xã, bản trước, sau đó mới đến người dân. Các tổ công tác của Đảng ủy xã thực hiện “cùng ở, cùng ăn, cùng làm” tại các bản, tuyên truyền, vận động bà con theo cách “mưa dầm thấm sâu”, hiểu được ý nghĩa của việc tạo cảnh quan môi trường để phát triển du lịch. Cùng với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, người dân đã chung sức, đồng lòng tạo được những điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách thập phương về Ngọc Chiến, góp phần giúp xã giảm bình quân 8,87% hộ nghèo/năm.

Ngọc Chiến bây giờ được ví như “miền quê cổ tích”, là điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Sơn La và huyện Mường La. Xã có 25 homestay và nhà nghỉ, đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi và tắm khoáng cho khoảng 50.000 lượt khách/năm. Ông Lò Văn Chinh, chủ homestay Việt Bắc tại bản Lướt, khoe với chúng tôi: Tôi đã tham gia lớp bồi dưỡng đào tạo nghề du lịch tổ chức tại xã; được hướng dẫn nấu các món dân tộc; học tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài... Hiện homestay của gia đình có gần 30 phòng nghỉ; có bể tắm ngoài trời và phòng tắm; đáp ứng nhu cầu cho du khách các món ăn dân tộc... Trung bình một năm, homestay của gia đình đón từ 800-1.000 lượt khách tắm khoáng và 1.500-2.000 lượt khách lưu trú, doanh thu đạt 500-600 triệu đồng.

Thị trấn Ít Ong đẩy mạnh các loại hình kinh doanh dịch vụ, buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Còn nhiều cách làm sáng tạo, đột phá ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường La mà khuôn khổ bài viết có hạn, không thể kể hết, như: Thị trấn Ít Ong có gần 300 hộ phát triển kinh doanh dịch vụ; xã Chiềng Muôn tập trung trồng gần 80 ha cây thảo quả dưới tán rừng; xã Mường Trai khai thác lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La đầu tư nuôi trên 200 lồng cá và phát triển dịch vụ du lịch... Tất cả thể hiện tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng phát triển; lan tỏa từ ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã và đang đi vào cuộc sống.

 (Còn tiếp)

Hồng Luận - Trường Sơn

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới