Cần sớm xử lý ô nhiễm nguồn nước ở bản Lọng Khoang

Theo phản ánh của nhân dân địa phương, cuối tháng 3/2023 đến nay, nguồn nước sinh hoạt của nhiều hộ dân bản Lọng Khoang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn bị ô nhiễm. Mặc dù lực lượng chức năng của tỉnh và huyện đã vào cuộc lấy mẫu nước, rà soát các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm, nhưng đến nay tình trạng vẫn chưa được khắc phục.

Vợ chồng anh Cà Văn Thương bơm nước bị ô nhiễm từ giếng khoan. Ảnh: Nguyễn Yến

 Bất an nguồn nước bị ô nhiễm

Chiều ngày 1/6, phóng viên có mặt tại bản Lọng Khoang, xã Hát Lót, tìm hiểu nguyên nhân khiến nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Hộ đầu tiên gặp là gia đình anh Cà Văn Thương ở cuối bản, cũng là hộ đầu tiên phát hiện giếng nước khoan bị ô nhiễm. Chứng minh nguồn nước bị ô nhiễm, anh Thương bơm nước từ giếng khoan lên. Khi dòng nước từ miệng ống chảy vào chậu, bằng cảm quan cho thấy nước có màu nâu đục, nhiều váng, bốc mùi thối, tanh.

Nhiều luống cà chua của gia đình anh Cà Văn Thương đang cho thu hoạch bị héo chết. Ảnh: Nguyễn Yến

Anh Thương cho biết: Năm 2018, gia đình đầu tư trên 40 triệu đồng khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu cây ăn quả, hoa màu. Từ cuối tháng 3/2023, giếng khoan bị ô nhiễm, nước đen kịt, có mùi hôi thối, tanh, có bã màu trắng sau chuyển sang màu đen.

Để có nước sinh hoạt, ban đầu anh đi xin của các hộ lân cận chưa bị ô nhiễm. Sau đó, anh đầu tư 6 triệu đồng mua ống dẫn từ mó nước cách nhà 1 km về dùng. Ao nuôi cá của gia đình do bơm nước từ giếng khoan vào để chống hạn khiến cá bị chết hàng loạt. Cứu vãn số cá còn lại, gia đình ngăn chuồng nuôi lợn để trống, dẫn nước từ bản Co Trai về nuôi. Còn hơn 1 ha đất trồng rau màu cũng bị ảnh hưởng, nhiều luống cà chua đang cho thu hoạch bị chết do tưới nước giếng khoan, nhiều luống dưa chuột bị chùm ngọn, xoăn lá không phát triển.

Gia đình anh Cà Văn Thương ngăn chuồng lợn thành bể nuôi cá. Ảnh: Nguyễn Yến

Cách nhà anh Thương khoảng vài chục mét là hộ nhà anh Tòng Văn Mẻ cũng đang chịu ảnh hưởng do ô nhiễm nước. Giếng khoan của gia đình anh sử dụng từ năm 2014, là nguồn nước sinh hoạt cho 5 hộ và phục vụ tưới tiêu gần 10 ha đất sản xuất.

Cuối tháng 3/2023, sau khi gia đình anh Thương phát hiện ô nhiễm nước, vài ngày sau, nước giếng của gia đình anh Mở cũng chuyển màu, có váng kết tủa, bốc mùi hôi nồng nặc, không thể sử dụng sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Nguồn nước bị ô nhiễm từ giếng khoan của gia đình anh Tòng Văn Mẻ. Ảnh: Nguyễn Yến

 Ngoài các giếng khoan, một số hang nước ngầm là nguồn cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân trong bản cũng trong tình cảnh tương tự. Anh Lò Văn Thương, một trong những hộ sử nước lấy từ hang nước ngầm nói: Nguồn nước ngầm này gia đình tôi đã sử dụng mấy chục năm nay, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng ô nhiễm như thế này.

Ông Lò Văn Khánh, Phó Trưởng bản Lọng Khoang, chia sẻ: Bản có 105 hộ, 480 nhân khẩu đang canh tác hơn 200 ha cây ăn quả và hoa màu. Bản có 12 giếng khoan phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu đều bị ô nhiễm. Bắt đầu từ nhà anh Cà Văn Thương ở cuối bản, đến nay đã lan ra giữa bản, nước ô nhiễm rất nặng. Để có nước sinh hoạt, các hộ phải tìm nguồn nước ở trên các khe núi, đồi và bắc đường ống dẫn nước về sử dụng, số khác xin của các hộ chưa bị ô nhiễm, thậm chí phải mua nước.

Xác định nguyên nhân

Ngay sau khi nhận được thông tin về tình trạng ô nhiễm nước giếng khoan của 3 hộ gia đình bản Lọng Khoang, UBND huyện Mai Sơn đã ban hành Công văn số 1028/UBND-TNMT ngày 11/4/2023 đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

Ngay trong ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 136/QĐ-STNMT thành lập Tổ công tác xác minh các nội dung về ô nhiễm nguồn nước dưới đất tại bản Lọng Khoang và khảo sát, lấy mẫu nước tại các điểm nước ngầm, xác định chính xác mức độ ô nhiễm nguồn nước.

Tiếp đó, ngày 28/4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 1439 xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất tại bản Lọng Khoang; thành lập tổ xác minh các nội dung phản ánh và trực tiếp đến bản kiểm tra, lấy mẫu nước tại các giếng bị ô nhiễm và 2 điểm dẫn nước từ 2 hang nước. Đồng thời, khảo sát thực địa tại bản Lọng Khoang và các khu vực liên quan làm cơ sở xác định, đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước dưới đất tại bản.

Sở Tài nguyên và Môi trường xác minh ô nhiễm nguồn nước tại bản Lọng Khoang. Ảnh: Hương Lan

Khảo sát thực địa tại bản Lọng Khoang, có 2 cơ sở nuôi lợn, gồm 1 cơ sở nuôi lợn thịt có quy mô 450 con/lứa; hoạt động từ tháng 3/2023 và 1 cơ sở nuôi lợn nái, quy mô 45 con/năm. Trong đó, cơ sở nuôi lợn thịt có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi nhưng các hạng mục công trình xử lý của hộ nuôi lợn chưa xây dựng đầy đủ (thiếu ao sinh học, máy ép phân) và sử dụng không đúng công năng hạng mục xử lý. Cơ sở nuôi lợn nái đang nuôi 40 con, chưa có thủ tục về môi trường theo quy định, nước thải sau bể chứa được sử dụng để tưới cây.

Tại khu vực bản Lọng Khoang và các khu vực lân cận không có các cơ sở chế biến nông sản hoạt động. Còn trên địa bản Nong Xôm, xã Hát Lót (nay là thôn Nà Cang) có 2 cơ sở chế tinh bột rong đã dừng hoạt động từ trước tháng 1/2023.

Thông tin kết quả bước đầu, ông Cầm Bun Lộc, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT, Tổ trưởng tổ xác minh các nội dung phản ánh bản Lọng Khoang, cho biết: Qua việc phân tích mẫu nước cho thấy, có 3 thông số vượt so với QCVN 09-MT:2015/BTNMT là: Tổng số Coliform, thông số E.Coli và Mangan. Như vậy, có thể khẳng định nguồn nước ngầm tại các giếng khoan và 2 hang nước được lấy mẫu đã bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi.

Ngoài ra, do tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc diệt cỏ trên địa bàn làm đất bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, để xác định chính xác chủ thể gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất gặp nhiều khó khăn, do hiện nay trên địa bàn xã có nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại nhỏ và quy mô hộ gia đình chưa có giải pháp xử lý chất thải phát sinh đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Cán bộ Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường lấy mẫu nước để phân tích. Ảnh: Hương Lan

Giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước dưới đất và tìm nguồn nước khác đảm bảo nước sinh hoạt cho các hộ dân, trong Công văn số 1493 giao UBND huyện Mai Sơn khuyến cáo các hộ dân sinh sống tại bản Lọng Khoang không sử dụng nước giếng khoan lấy từ 2 hang bị ô nhiễm sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND xã Hát Lót tiếp tục điều phối, bố trí nguồn nước sạch để cung cấp cho các hộ có nguồn nước bị ô nhiễm trong mọi trường hợp không được để người dân không có nước sinh hoạt. Nước thải chăn nuôi trước khi sử dụng tưới cho cây yêu cầu phải xử lý đạt quy chuẩn QCVN 01 – 15:2022/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực xung quanh, tìm kiếm các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước…

Ông Phạm Duy Hùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, thông tin: UBND huyện đã chỉ đạo xã Hát Lót và Ban quản lý bản rà soát các nguồn nước có khả năng phục vụ mục đích sinh hoạt cho nhân dân trong bản, phát hiện 3 nguồn nước từ các khe đồi, tuy nhiên đang trong mùa khô trữ lượng nước không đủ cung cấp.

Hiện nay, các hộ dân bản Lọng Khoang đã đào 4 hố dung tích khoảng 24m3/hố để gom nước từ khe Huổi Pá Khoang, bản Lọng Khoang sau đó dẫn về các hộ để sử dụng cho sinh hoạt.

Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính 1 trường hợp trong lĩnh vực môi trường tại bản Lọng Khoang với số tiền 17,5 triệu đồng. Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với UBND xã Hát Lót rà soát, kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm về môi trường trên địa bàn xã.

Chậu nước được bơm từ giếng khoan lên đục, mùi thối, tanh. Ảnh: Nguyễn Yến

Cũng theo ông Hùng: Kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, cho thấy nguồn nước dưới đất bản Lọng Khoang bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, để xác định chính xác chủ thể gây ô nhiễm nguồn nước, huyện Mai Sơn vẫn đang gặp nhiều khó khăn do địa hình nhiều hang karts, các hộ chăn nuôi chủ yếu nằm trong khu dân cư với diện tích đất đai hạn hẹp và hoạt động trước khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành, để vận động di dời, giảm đàn và xây dựng theo hệ thống xử lý chất thải còn gặp nhiều khó khăn.

Sớm có giải pháp khắc phục

Từ vụ việc ô nhiễm nguồn nước bản Lọng Khoang, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý môi trường hiện nay. Tình trạng ô nhiễm chưa có dấu hiệu giảm, mà đang có nguy cơ lan rộng.

Theo Công văn số 1439 ngày 28/4/2023 mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao UBND huyện Mai Sơn chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực xung quanh, tìm kiếm các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm tại bản Lọng Khoang. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được chủ thể chính gây ô nhiễm nguồn nước.

Nước sinh hoạt của gia đình anh Lò Văn Thương cũng bị ô nhiễm. Ảnh: Minh Thu

Như vậy, hơn 3 tháng kể từ khi nhân dân phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm và Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Mai Sơn đã vào cuộc, song vẫn chưa truy tìm được chủ thể gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo quan sát của phóng viên, khó có thể xác định nguồn gây ô nhiễm nguồn nước nếu không tiếp tục có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn. Vì quan sát bằng mắt thường, nguồn nước bị ô nhiễm là nguồn nước ngầm, nhiều giếng khoan có độ sâu 20 - 40 m, xung quanh khu vực bị ô nhiễm không có sông, suối, mương, rãnh thoát nước, có nhiều hang karst. Về chăn nuôi chủ yếu quy mô hộ gia đình.

Người dân làm những ao trời tích nước bị ô nhiễm để tưới cho cây trồng. Ảnh: Minh Thu

Nhân dân Lọng Khoang đang mong mỏi các cấp chính quyền, nhanh chóng đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng và có biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước, tránh gây thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi, để cuộc sống của nhân dân sớm ổn định trở lại. 

Minh Thu - Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới