Xã hội hóa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, diện mạo nông thôn ở 188 xã trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống người dân ngày một nâng cao, toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Chìa khóa tạo nên sự thành công này chính là huy động được các nguồn lực của địa phương và cộng đồng dân cư.

Những ngày cuối năm, về xã Hua Păng, xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 của huyện Mộc Châu, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này không chỉ ở cơ sở hạ tầng mà còn từ nếp nghĩ, cách làm của người dân. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông rộng 3,5m nối liền từ trung tâm xã đến về đến bản, anh Vì Quốc Toản, Trưởng bản Bó Hiềng, cho biết: Tuyến đường này dài hơn 7 km, được hoàn thành năm 2017 với tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng; các hộ dân hiến đất, khai thác cát, sỏi, san ủi mặt bằng và đóng góp ngày công lao động với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Những năm trước, khi bản chưa có đường bê tông, việc đi lại của người dân vào mùa mưa gặp rất nhiều khó khăn, bây giờ, người dân đi lại thuận tiện bốn mùa, ai cũng phấn khởi đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 

Người dân bản Bó Hiềng dọn dẹp vệ sinh môi trường.

           

Ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Có được diện mạo nông thôn như hôm nay là sự đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và quan trọng hơn cả là đồng thuận trong lòng dân. Từ khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động gần 100 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 25 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp. Ngoài ra, nhân dân còn tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng hàng rào thông thoáng... 

           

Cũng giống như xã Hua Păng, thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương lựa chọn tiêu chí dễ, cần ít vốn, có điều kiện triển khai tập trung làm trước; có địa phương thì chọn tiêu chí mang tính đột phá, tập trung các nguồn lực để hoàn thiện, tạo nền tảng thực hiện các tiêu chí còn lại. Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo động lực để nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới là các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, như: Nghị quyết 115/2015/NQ-HĐND; Nghị quyết số 77/2018/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách Nhà nước cho một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ban hành chính sách đầu tư vào nông nghiệp nông thôn... Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời và có tính thực tiễn cao đã tạo điều kiện cho các địa phương trong tỉnh khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ xây dựng kết cấu hạ tầng NTM gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với tiềm năng, lợi thế trong huy động vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Mô hình trồng bưởi đem lại hiệu quả kinh tế của nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

           

Tìm hiểu tại huyện Mai Sơn, ngoài các chương trình triển khai từ những năm trước, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2%/năm; ban hành các chủ trương: “Doanh nghiệp chung tay cùng cấp ủy, chính quyền giúp đỡ các xã vùng III vươn lên thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn” với mục tiêu đến năm 2025 đưa 5 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn; “Vận động toàn dân tích cực tham gia chỉnh trang hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững”; phát động phong trào “Mai Sơn chung tay xóa nhà tạm cho hộ nghèo”. Theo đó, riêng năm 2021, huyện đã tạo điều kiện cho trên 5.600 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất với tổng số vốn vay trên 258 tỷ đồng; huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ xóa 167 nhà tạm cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở trị giá 26,6 tỷ đồng; vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công mở rộng 121 tuyến đường tại 21 xã với tổng chiều dài 143 km... Chính sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đồng thời trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện.

           

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, khẳng định: Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời và có tính thực tiễn cao đã tạo điều kiện cho các địa phương trong toàn tỉnh khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tính từ năm 2021 đến nay, ngoài các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng... toàn tỉnh đã huy động được trên 160 tỷ đồng; trên 30.500 m² đất; 43.758 ngày công lao động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu xây dựng nông thôn mới.

 

Người dân xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu thu hoạch chuối.

           

Đến nay, toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2022 có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân các xã  đạt 13,2 tiêu chí nông thôn mới. Đời sống của người dân khu vực nông thôn cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới là trên 39 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm xuống còn 15,1%, bình quân giảm trên 3%/năm.

           

Thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, lựa chọn những nội dung phù hợp, thiết thực để vận động, khơi dậy tinh thần chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới