Diện mạo mới thị trấn Ít Ong

Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La hôm nay mang một diện mạo mới, những ngôi nhà cao tầng san sát, các tuyến đường được đầu tư xây dựng thông thoáng, cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp, thực sự là trung tâm hành chính, chính trị của huyện Mường La.

Một góc thị trấn Ít Ong, huyện Mường La.

Sinh sống và gắn bó hơn nửa đời người với vùng đất này, ông Bùi Đức Huy, tiểu khu 5, vui mừng trước sự thay đổi của Thị trấn. Ông chia sẻ: Năm 1964, tôi cùng gia đình lên khai hoang vùng kinh tế mới tại xã Chiềng San, sau đó chuyển về sinh sống tại Ít Ong. Thời điểm ấy, trung tâm xã còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, người dân đã có điện sử dụng nhưng là điện máy nổ theo giờ; các tuyến đường chủ yếu rải cấp phối và ngựa thồ vẫn là phương tiện chủ yếu. Giờ đây thị trấn đã được xây dựng nhiều công trình lớn, đường giao thông được trải nhựa, phố xá nhộn nhịp buôn bán sầm uất.

Ngược dòng thời gian, trước đây, huyện lỵ Mường La đứng chân tại xã Chiềng An (nay thuộc thành phố Sơn La). Từ năm 1979 chuyển về xã Ít Ong và tháng 1/2007, thị trấn Ít Ong được thành lập. Trong hành trình xây dựng và phát triển, thị trấn Ít Ong đã từng bước được phát triển. Năm 2005, Nhà nước triển khai xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại bản Hua Lon, đã tạo cơ hội để Thị trấn phát triển đồng bộ mọi mặt. Đặc biệt, trận lũ quét lịch sử tháng 8/2017 đã làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân; một số hạng mục công trình hạ tầng của thị trấn bị cuốn trôi. Giờ đây, đi dọc tuyến suối Nặm Păm vẫn còn những dấu tích của trận lũ lịch sử, nhưng cuộc sống của các hộ dân đã ổn định, điểm tái định cư sau lũ được sắp xếp, sản xuất khôi phục, công trình kè suối Nặm Păm chống sạt lở khu dân cư đã được xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo của thị trấn.

Hiện nay, thị trấn Ít Ong có tổng diện tích tự nhiên hơn 3.600 ha, với 16 bản, tiểu khu, hơn 12.000 nhân khẩu. Những năm qua, công tác quản lý quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị của Thị trấn được các cấp, các ngành quan tâm. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được mở rộng...

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn Thị trấn đã được đầu tư xây dựng quảng trường, các khu cơ quan hành chính trung tâm huyện; triển khai dự án tái định cư cho nhân dân bị ảnh hưởng trận lũ năm 2017; xây mới, sửa chữa, cải tạo trụ sở UBND thị trấn và 16 nhà văn hóa các bản, tiểu khu; xây dựng công trình lớp học tại Trường tiểu học Ít Ong. Hiện, 100% bản, tiểu khu đã có đường bê tông; 100% trục đường chính và 80% các bản, tiểu khu có hệ thống điện chiếu sáng; đang triển khai xây dựng khu chợ trung tâm và Dự án cải tạo vỉa hè trên quốc lộ 279D.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, Thị trấn đã tham mưu cho huyện xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với liên kết vùng. Trong đó, khu vực trung tâm thị trấn hình thành chợ trung tâm, phát triển kinh doanh dịch vụ, thương mại, khai thác tiềm năng du lịch; các bản vùng cao chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, trồng rừng sản xuất; các bản vùng thấp chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc làm hàng hóa.

Hiện nay, thị trấn có 220 ha cây ăn quả; 59 cơ sở chế biến, gia công, khai thác vật liệu xây dựng; 340 hộ kinh doanh dịch vụ. Hằng năm, thu ngân sách đạt 3 tỷ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%; trên 83% hộ dân đạt tiêu chí hộ gia đình văn hóa.

Ông Trần Hải Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Định hướng phát triển những năm tiếp theo, thị trấn Ít Ong sẽ được mở rộng tuyến đường Thị trấn - Pi Toong; cải tạo một số cơ sở hạ tầng quan trọng. Đồng thời, lấy ý kiến nhân dân, phối hợp thực hiện việc thu hồi đất và bố trí, sắp xếp dân cư để huyện triển khai Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 quảng trường và khu đô thị trung tâm thị trấn đến năm 2030... góp phần giúp thị trấn hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại IV trong tương lai.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới