Mùa cà phê chín

Cây cà phê được trồng ở Sơn La từ lâu, đến nay toàn tỉnh có trên 17.800 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch 15.346 ha, chủ yếu là giống cà phê Arabica, được trồng tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và Thành phố.... Cây công nghiệp chủ lực này đã đem lại nguồn thu cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Vụ thu cà phê năm nay được mùa, được giá, giúp hàng nghìn hộ dân tăng thu nhập.

Niềm vui mùa cà phê

 

Về Mai Sơn đúng vụ thu hoạch cà phê, khắp các triền đồi, những cây cà phê trĩu quả đỏ rực xen lẫn trong tán lá xanh. Những chuyến xe hối hả chở các bao tải cà phê từ nương về các điểm tập kết của thương lái để vận chuyển đến nhà máy và các cơ sở chế biến. Với người trồng cà phê, đây là mùa vất vả nhưng cũng là mùa vui nhất trong năm, bởi họ được thu về thành quả sau một năm chăm sóc cây cà phê.

Nông dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn) thu hái cà phê.

Đôi bàn tay thoăn thoắt hái quả, ông Lèo Văn Giót, bản Sàng, xã Chiềng Ban, vui vẻ nói: Gia đình tôi trồng hơn 2 ha cà phê. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cà phê được mùa nên dự kiến sẽ cho thu khoảng 30 tấn quả tươi, cao hơn 10 tấn so với năm 2020. Hiện, thương lái thu mua quả cà phê tươi giá từ 10 - 11 nghìn đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020, hạt cà phê khô giá từ 50-53 nghìn đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. Nếu giá cà phê ổn định, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi sẽ thu được 250 triệu đồng. Ông nói thêm: Ở xã Chiềng Ban bản nào cũng trồng cà phê nên diện tích có khoảng 1.250 ha, lớn nhất của tỉnh.

Mùa cà phê cũng tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động ở các địa phương lân cận đến hái quả thuê. Anh Lò Văn Kiểm, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, nói: Tôi được chủ vườn trả 2.000 đồng/kg tiền công hái; trung bình mỗi ngày đi hái cà phê thuê, tôi được khoảng 200.000 đồng.

Quả cà phê thu hái đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó; nhiều hộ còn hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm nên người trồng cà phê không còn lo đầu ra như các năm trước. Ông Vũ Xuân Hùng, Giám đốc HTX Xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh (Mai Sơn), thông tin: Cà phê năm nay được mùa, được giá, vì vậy ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã chủ động làm việc, bao tiêu sản phẩm cà phê cho bà con.

 

Nông dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn) thu hái cà phê.

Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội Cà phê tỉnh Sơn La, cho biết: Giá cà phê năm nay cao nhất trong 5 năm gần đây. Một phần do nhu cầu tiêu dùng của khách hàng tăng; sản lượng cà phê trên thị trường đang dần ít đi do một số vùng trồng cà phê trên thế giới bị ảnh hưởng của thời tiết và biến đổi khí hậu, làm cho năng suất cà phê không đạt như mong muốn. Bên cạnh đó, giá xăng, dầu, điện... cũng tăng, kéo theo cà phê cũng tăng giá theo xu hướng thị trường.

 

 

Vùng cà phê bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ (Thành phố).

 

Theo thống kê, toàn tỉnh có 4 nhà máy và hơn 100 cơ sở chế biến cà phê có hệ thống xử lý nước thải đủ điều kiện hoạt động với công suất chế biến đạt khoảng 40% sản lượng quả cà phê; sản lượng quả cà phê còn lại được sơ chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin: Từ năm 2020, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy chế phối hợp công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giao trách nhiệm cho UBND các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát và yêu cầu các cơ sở sơ chế quả cà phê ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần giảm thấp nhất ô nhiễm các nguồn nước trên địa bàn.

 

Nâng cao giá trị cà phê Sơn La

 

Cây cà phê được trồng ở Sơn La chủ yếu là giống Arabica, trồng tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và Thành phố và được sơ chế, chế biến thành các sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột.

Năm 2017, vùng trồng cà phê Sơn La chính thức được trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thành lập Hội cà phê và gắn kết người trồng cà phê với doanh nghiệp, HTX. Một số doanh nghiệp, HTX đang liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: HTX Bích Thao, HTX Ara-Tay Coffee Sơn La, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến.

 

Dây chuyền chế biến cà phê của HTX Bích Thao, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (Thành phố).

 

Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Ara-Tay Coffee Sơn La, xã Chiềng Chung (Mai Sơn) đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê được chứng nhận tốp 7 toàn quốc về cà phê đặc sản năm 2020. Chị chia sẻ: Khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu cà phê Ara-Tay, các thành viên HTX buộc phải thay đổi thói quen “hái xô”, hái lẫn tất cả quả chín và quả xanh, sang “hái chọn” những quả cà phê chín cho chất lượng cao. Mọi công đoạn sản xuất cà phê Ara-Tay từ cách thu hái, vận chuyển, rửa hạt, phơi sấy và đóng gói... đều được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật.

Năm 2021, HTX Ara-Tay Coffee Sơn La đã ký hợp đồng với 130 hộ dân của 2 xã: Chiềng Chung và Mường Chanh (Mai Sơn) trồng, chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, đảm bảo số lượng và chất lượng (tỷ lệ quả chín đạt 100%; có máy đo độ đường chính xác). Hiện, HTX đang thu mua cho người dân với giá 14.000 đồng/kg cà phê tươi, cao hơn 3.000 đồng/kg so với giá thị trường.

 

Cà phê honey phơi trong nhà màng.

 

Còn chị Lường Thị Pành, xã Chiềng Chung, tâm sự: Trước đây, chúng tôi để cây cà phê phát triển tự nhiên, cho năng suất thấp. Sau khi được HTX trực tiếp hướng dẫn về quy trình trồng, chăm sóc, cây cà phê cho năng suất cao hơn trước từ 3-4 lần. Dù đòi hỏi nhiều công sức và thời gian chăm sóc hơn, nhưng việc hái chọn quả chín mang lại thu nhập cao và ổn định hơn. HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất.

Trao đổi về vấn đề phát triển cây cà phê theo hướng bền vững, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Chủ trương của tỉnh là ổn định diện tích cà phê hiện có; tập trung đầu tư thâm canh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; khuyến khích đẩy mạnh liên kết các HTX, hộ sản xuất cà phê theo chuỗi, liên kết với các nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện chế biến cà phê tập trung để đảm bảo được vấn đề về môi trường, giảm các cơ sở chế biến nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình.

Lãnh đạo xã Chiềng Mung (Mai Sơn) triển khai ký cam kết đảm bảo môi trường với các chủ cơ sở, hộ gia đình có hoạt động sơ chế cà phê.

 

Mục tiêu đến năm 2025, các doanh nghiệp, HTX và hộ dân đưa một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường xuất khẩu để phục vụ ghép cải tạo, trồng tái canh cà phê. Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững, như: Cà phê hữu cơ; sản xuất cà phê đặc sản... theo yêu cầu của thị trường; 90% sản lượng cà phê tươi được chế biến theo quy mô công nghiệp, 100% các cơ sở chế biến cà phê quả tươi có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; phấn đấu giá trị xuất khẩu cà phê đạt khoảng trên 100 triệu USD...

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cộng với sự định hướng phát triển cây cà phê, hy vọng cây cà phê tiếp tục là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cho người trồng và chế biến, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương nhanh và bền vững.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới