Tú Nang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, xã Tú Nang, huyện Yên Châu đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển kinh doanh dịch vụ; góp phần giảm nghèo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Là xã đặc biệt khó khăn, trước đây bà con chủ yếu sản xuất các loại cây lương thực ngắn ngày trên nương; tuy nhiên, do đất bị xói mòn, bạc màu, nên năng suất ngày càng giảm; chăn nuôi gia súc chủ yếu thả rông. Ông Sa Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Giải pháp tháo gỡ khó khăn là phải tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đặc biệt là mở rộng diện tích cây ăn quả thay thế các cây trồng kém hiệu quả; triển khai mô hình chăn nuôi theo hướng nhốt chuồng, tập trung, tăng quy mô đàn.

Nông dân xã Tú Nang thu hoạch chuối.

Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Chương trình 135 và Nghị quyết số 30a được phân bổ, xã Tú Nang đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã tổ chức 10 đợt tập huấn trồng cây ăn quả và kỹ thuật chăn nuôi với trên 3.000 lượt người tham gia; hỗ trợ gần 5.000 cây giống ăn quả và 30 con bò sinh sản cho nhân dân, tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Các tổ chức đoàn thể xã đã đứng ra nhận ủy thác với các ngân hàng giúp hội viên vay vốn; đến nay, tổng dư nợ trên 12 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ đó, nhiều hộ dân đầu tư làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con trong xã đã chủ động cải tạo vườn tạp, trồng mới gần 600 ha xoài, nhãn, chuối; đàn gia súc của xã phát triển, duy trì ổn định trên 3.000 con.

Gia đình anh Hoàng Văn Tính, bản Lắc Kén, có tiếng là “mát tay” nuôi trâu, bò vỗ béo. Mỗi năm, gia đình duy trì nuôi từ 5-6 con trâu, bò/lứa, bán 3 lứa/năm, thu lãi 150-200 triệu đồng. Anh Tính chia sẻ: Chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò, gia đình tôi trồng 1 ha cỏ voi và tích thêm rơm rạ, ngọn mía để ủ lên men. Với cách nuôi này, đàn trâu, bò lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá. Từ khi được chính quyền xã tuyên truyền chuyển sang nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo, tôi thấy không chỉ cho hiệu quả kinh tế mà còn phòng chống được dịch bệnh và tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho đàn gia súc.

Còn hộ ông Nguyễn Văn Binh, bản Hua Đán, với 22 ha nhãn, trong đó có 10 ha đã cho thu hoạch cũng đang là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Binh cho biết: Qua học hỏi kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn về cải tạo nhãn, từ năm 2017, tôi đã ghép mắt toàn bộ diện tích nhãn của gia đình. Làm theo phương pháp này, năm nào vườn cây cũng sai quả, cho sản lượng cao. Trung bình mỗi vụ, gia đình thu từ 150-250 tấn nhãn.

Được biết, để tăng thêm thu nhập, gia đình ông Binh còn thu mua, đầu tư mở xưởng sơ chế nông sản cho bà con trong bản và vùng lân cận, tạo việc làm thường xuyên cho 17 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Từ trồng cây ăn quả và kinh doanh dịch vụ, năm 2022, tổng thu nhập của gia đình ông Binh đạt hơn 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Cùng với phát triển cây ăn quả, đẩy mạnh chăn nuôi, với lợi thế nằm trên trục quốc lộ 6, xã Tú Nang chú trọng phát triển kinh doanh dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 350 doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, cơ khí, hàng tạp hóa, điện tử, may mặc, thời trang… tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Sự đa dạng các ngành nghề đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đến nay đạt 30 triệu đồng/người/năm.

Với mục tiêu nâng cao thu nhập những năm tiếp theo, xã Tú Nang tiếp tục khai thác lợi thế đất đai, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thu nhập ổn định, phát triển kinh tế bền vững.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới