Làng nghề chế biến long nhãn ở Sông Mã

Vụ nhãn năm nay, bản Hải Sơn và Hồng Nam của xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, vinh dự được công nhận là Làng nghề chế biến long nhãn. Việc thành lập làng nghề không chỉ là điều kiện quan trọng về tư cách pháp nhân để đẩy mạnh, mở rộng hoạt động sản xuất, mà còn tạo điều kiện liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong quảng bá, giới thiệu bao tiêu sản phẩm, đưa thương hiệu long nhãn đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 

 

Long nhãn thành phẩm.

Nghề làm long nhãn ở Hải Sơn và Hồng Nam đã có từ lâu. Trước đây, việc chế biến long nhãn được làm theo phương pháp thủ công, từ sấy quả, bóc cùi phơi nắng; tốn nhiều công sức, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Ông Đào Ngọc Bằng, Bí thư Chi bộ, Trưởng làng nghề chế biến long nhãn bản Hải Sơn, cho biết: Trong những năm gần đây, người dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến long nhãn, tạo ra các sản phẩm chất lượng, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận, còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Nghề làm long nhãn đã tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân trong bản, giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo. Được công nhận là làng nghề là điều kiện quan trọng, động lực để người dân trong bản từng bước nâng cao chất lượng quả nhãn và sản phẩm long nhãn, xây dựng và khẳng định thương hiệu long nhãn Sông Mã nói chung, long nhãn của Hải Sơn nói riêng.

Bản Hải Sơn hiện có trên 292 ha nhãn, năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 3.220 tấn/năm. Làng nghề chế biến long nhãn Hải Sơn có 50 lò hoạt động, trong đó có 20 lò than và 30 lò hơi sạch, sản lượng long nhãn bình quân của làng nghề đạt khoảng 6 tấn long thành phẩm/ngày. Anh Trần Văn Tuấn, chủ một cơ sở chế biến long nhãn trong làng nghề, chia sẻ: Xưởng hiện có 4 lò sấy hơi nhiệt sạch với công suất chế biến 8 tấn quả tươi/ngày. Từ đầu vụ đến nay, xưởng đã tiêu thụ 400 tấn quả nhãn tươi của người dân trong và ngoài huyện. Thời điểm này, gia đình thuê khoảng 100 lao động xoáy long nhãn, 1 lao động trung bình xoáy được 100 kg nhãn với tiền công 3.000 đồng/kg. Hiện nay, chúng tôi và các hộ dân trong bản đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến để tạo ra những mẻ long nhãn ngon, đẹp mắt.

Phấn khởi, vui mừng khi được công nhận là Làng nghề chế biến long nhãn, anh Đào Mạnh Hồng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hồng Nam, Trưởng làng nghề, chia sẻ: Cả bản có hơn 50 hộ làm long nhãn, trung bình mỗi năm tiêu thụ hơn 3.000 tấn quả nhãn tươi; từ đầu vụ đến nay, các lò sấy đã tiêu thụ trên 500 tấn quả nhãn tươi. Nghề làm long nhãn đã mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Không chỉ vậy, sản phẩm từ nghề sản xuất long nhãn còn gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền. Việc hình thành làng nghề sẽ giúp chúng tôi tạo thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước tiếp cận với các thị trường khó tính trong và ngoài nước, nâng cao giá trị của long nhãn.

Việc hình thành và phát triển làng nghề sẽ có tác động lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ lao động nông nghiệp năng suất thấp, thu nhập thấp sang lao động ngành nghề có năng suất và chất lượng cao với thu nhập cao hơn. Làng nghề sẽ thu hút nhiều lao động làm việc thường xuyên, tận dụng được số lao động phổ thông chưa qua đào tạo tại địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động.

Ông Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, thông tin: Chúng tôi tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các làng nghề phát huy những tiềm năng sẵn có của các bản để phát triển làng nghề, tiếp cận quy trình sản xuất tiến bộ, áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm long nhãn. Tăng cường công tác tiếp thị để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Phát huy các giá trị bản sắc văn hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao đời sống của cư dân nông thôn một cách toàn diện cả về kinh tế và văn hóa; từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao có cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Làng nghề chế biến long nhãn ở Sông Mã không chỉ để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản mùa vụ trước mắt, mà còn là cơ hội để gắn kết giữa người trồng nhãn và người tiêu thụ nhãn, góp phần xây dựng và duy trì thương hiệu long nhãn Sông Mã, tạo ra đặc sản mang dấu ấn của mảnh đất, con người nơi đây.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới