Khởi sắc nông nghiệp Phù Yên

Phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Phù Yên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản phẩm nông sản của xã Huy Bắc tại Ngày hội giới thiệu nông sản huyện Phù Yên năm 2022.

Chia sẻ về những những kết quả của ngành nông nghiệp Phù Yên đã đạt được năm qua, bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của 4 tiểu vùng kinh tế. Trong đó, tại các xã vùng Mường, hình thành vùng cây ăn quả, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa; thị trấn Phù Yên và các xã vùng Huy, tập trung thâm canh lúa nước theo hướng canh tác hữu cơ; các xã vùng lòng hồ sông Đà thành lập các HTX nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả; các xã vùng cao, trồng rừng, bảo vệ rừng, khai hoang ruộng nước, phát triển chăn nuôi đại gia súc…

Năm 2022, khép lại đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tổng diện tích cây lương thực có hạt trên địa bàn huyện gần 13.800 ha, sản lượng đạt trên 65.700 tấn. Vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp trên đất dốc sang trồng các loại cây ăn quả, hiện tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện có hơn 2.500 ha, sản lượng hơn 12.400 tấn quả/năm; duy trì hơn 400 ha cây vụ đông với sản lượng gần 2.000 tấn/năm; hơn 300 ha cây chè với sản lượng búp tươi khoảng 1.400 tấn/năm; phát triển trồng 257 ha cây gai xanh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực; trồng 57 ha cây chanh leo, trong đó, trồng mới 40 ha cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La…

Người dân xã Mường Thải, huyện Phù Yên chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả có múi.

Phù Yên đã xây dựng và triển khai thành công dự án hỗ trợ sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các xã vùng Huy. Trong năm 2022, mở rộng thêm được 177 ha trồng lúa hữu cơ, nâng tổng diện tích trong lúa hữu cơ trên địa bàn lên 520 ha. Càng phấn khởi hơn khi được biết, gạo hữu cơ Phù Yên được đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, nhật ký điện tử, cấp giấy chứng nhận chuyển đổi hữu cơ, được khách hàng tin dùng, mang lại một hướng đi mới hiệu quả trên vựa lúa Mường Tấc...

Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn gia súc trên 117 nghìn con, đàn gia cầm các loại 870 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6.300 tấn; duy trì gần 1.000 ha trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, khai thác hiệu quả hơn 3.000 ha mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình và các hồ thuỷ lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng, khai thác thủy sản. Hiện, trên địa bàn toàn huyện có 437 lồng cá, sản lượng thuỷ sản nuôi và đánh bắt đạt 1.220 tấn/năm.

Cùng với đó, Phù Yên thường xuyên rà soát, hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác; triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hợp tác, liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có trên 30 HTX nông nghiệp, tổng vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng, với trên 600 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động.

HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc thành lập năm 2016, với 12 thành viên, trồng 10 ha các loại rau, củ, quả. Năm 2018, HTX triển khai mô hình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học thay thuốc trừ sâu. Đến nay, HTX có 2 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là các loại rau, bí xanh, dưa chuột, dưa lưới. Ngoài ra, HTX còn liên kết với gần 50 hộ nông dân các xã Huy Tân, Suối Bau, Kim Bon và Mường Thải, trồng 40 ha rau màu…

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của  HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc.

Ông Phạm Văn Ba, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, thông tin: Trong năm qua, HTX sản xuất, bao tiêu sản phẩm của các hộ liên kết hơn 200 tấn rau, củ, quả và tiêu thụ qua chợ đầu mối, một số siêu thị tại Hà Nội, doanh thu 2 tỷ đồng. HTX cũng đã trồng thí điểm 1.300m² dưa lưới trong nhà màng, sau 2 vụ thu hoạch hơn 5 tấn quả, doanh thu đạt 300 triệu đồng. Với giá trị mang lại trong năm 2023, HTX tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa lưới...

Phát huy những kết quả đạt được, Phù Yên tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm gắn bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Chú trọng phát triển, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở một số vùng, một số sản phẩm theo thị hiếu của thị trường. Quan tâm phát triển HTX nông nghiệp, thúc đẩy liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, từng bước hướng tới xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới