Khởi sắc nông nghiệp Mường La

Nhìn lại một năm hoạt động, lĩnh vực nông nghiệp của huyện Mường La tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của huyện.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp. Phối hợp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất cao, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

 Ông Lù Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Trong năm, Phòng đã tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đến bể chứa để vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, huyện đã có 166 ha xoài, nhãn, mít, thanh long, vải được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 20 mã vùng trồng (12 mã chuối, 3 mã nhãn, 5 mã xoài). hình thành 7 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Duy trì, phát triển 5 sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm mật ong đá Chiềng Lao.

HTX Đoàn Kết, xã Mường Bú đóng gói sản phẩm xoài ghép phục vụ tiêu thụ.

Từ các nguồn kinh phí, huyện đã hỗ trợ nông dân từng bước phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với sản xuất từng loại sản phẩm nông nghiệp. Trong năm, với 3 tỷ 922 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông lâm nghiệp, huyện đã hỗ trợ 391 hộ dân các xã đầu tư nuôi vịt cổ xanh; nuôi lợn đen; nâng cao chất lượng sản phẩm lúa nếp tan; hỗ trợ thực hiện chuỗi liên kết sản xuất 67,8 ha cây mận tam hoa; thực hiện mô hình trồng cây lê; tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho 250 học viên. Đồng thời, hỗ trợ 7 HTX về cấp giấy chứng nhận VietGAP; xây dựng hệ thống nhận diện và tem truy xuất nguồn gốc. Mua bao bì mới đóng gói sản phẩm đi tiêu thụ cho 3 hợp tác xã. Cung ứng 88,8 tấn phân bón hữu cơ cải tạo nâng cao chất lượng 88,8 ha đất trồng lúa.

Chị Lò Thị Thủy, Giám đốc HTX Đoàn kết, xã Mường Bú, chia sẻ: HTX có 30 ha cây ăn quả, gồm xoài, nhãn và táo đại, sản lượng bình quân đạt 1.000 tấn/năm. Chúng tôi đã được cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGap đối với toàn bộ diện tích. Sản phẩm quả các loại bảo đảm chất lượng, được xuất khẩu sang Trung Quốc và bán cho thương lái tại các chợ đầu mối ở các tỉnh. Trừ chi phí thu nhập bình quân của các thành viên đạt 200 triệu đồng/năm.

Nhân dân bản Đin Lanh, xã Chiềng Công phát triển cây tra.

Trong năm 2022, nông dân trong huyện đã trồng 11.791 ha cây lương thực có hạt, sản lượng đạt 48.357 tấn; 4.045 ha sắn, sản lượng 42.715 tấn sắn củ… Trồng mới 50 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên 5.850 ha, sản lượng quả tươi đạt 24.965 tấn. Duy trì chăm sóc 1.851 ha cây cao su; 2.496 ha cây sơn tra, sản lượng ước đạt 6.800 tấn quả, tập trung tại xã Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn đã có 1 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 1 trang trại chăn nuôi quy mô vừa; 8 trang trại quy mô nhỏ; 90 hộ nuôi trâu, bò nhốt chuồng (quy mô từ 5 con trở lên); 107 hộ thực hiện mô hình nuôi dê nhốt chuồng; 11 hộ nuôi lợn tập trung. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay có trên 600 nghìn con. Sản phẩm thịt hơi xuất chuồng đạt 4.540 tấn, tăng 440 tấn. Ngoài ra, còn nuôi 998 lồng nuôi cá, tăng 53 lồng so với năm 2021, sản lượng khoảng 390 tấn cá các loại.

Chăm sóc trâu, bò nhốt chuồng tại bản Mới, xã Chiềng Công.

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóai, đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả, bền vững, năm 2023, huyện Mường La đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm trồng trọt chủ lực của huyện. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển cây ăn quả, cây dược liệu. Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực. Tập trung cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chăn nuôi gắn với bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Khuyến khích mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Phát triển nuôi trồng thủy sản tại các thủy vực sông, hồ thủy điện theo hướng bền vững… Nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chủ động nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, hiệu quả cao, bền vững để khuyến cáo, phổ biến rộng rãi trên địa bàn…

Thảo quả sau khi thu hoạch được người dân bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn sấy khô để bảo quản.
Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới